Bệnh than nguy hiểm như thế nào?

Vi khuẩn bệnh than - vũ khí sinh học đáng sợ!

Vi khuẩn bệnh than có khả năng gây tử vong cao, tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt, biến nó thành vũ khí sinh học nguy hiểm.

Bệnh than là gì?


Vi khuẩn bệnh than có hình que dài. (Ảnh: Live Science).

Bệnh than (Anthrax) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra trên các loài động vật máu nóng, gồm gia súc, động vật hoang dã và con người. Đại dịch bệnh than từng xảy ra nhiều lần, chủ yếu ảnh hưởng tới nông dân, những người thường phải tiếp xúc với gia súc nhiễm vi khuẩn.

Dạng nhiễm bệnh phổ biến nhất trên người là qua tiếp xúc da, khi bào tử bệnh than xâm nhập cơ thể tại những vết thương hở. Đây cũng là dạng dễ chữa trị nhất, người bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Thư viện Y học Quốc gia Mỹ cho biết vi khuẩn bệnh than gây nguy hiểm nhất khi lọt vào đường hô hấp, thường gặp trên những công nhân xử lý lông và da thú. Bào tử vi khuẩn thường đi vào phế nang trong phổi và bị hệ miễn dịch tiêu diệt, nhưng một số bào tử có thể xâm nhập hạch bạch huyết, phát triển thành vi khuẩn và phát tán chất độc phá hoại tế bào.

Nếu bệnh nhân không được điều trị, chất độc sẽ tích tụ trong phổi, gây ra một loạt vấn đề nghiêm trọng. Nạn nhân sẽ gặp những triệu chứng như cúm và cảm lạnh trong nhiều ngày, sau đó chuyển sang biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tụt huyết áp, viêm màng não và suy tạng.


Triệu chứng bệnh than trên da người. (Ảnh: AAP).

Tỷ lệ tử vong của dạng bệnh than này có thể lên tới 92%. Tuy nhiên, nó cũng là dạng khó mắc phải nhất. Một người phải hít vào 8.000-10.000 bào tử mới bị nhiễm bệnh, đồng thời chúng phải xâm nhập vào sâu trong phổi trước khi gây tác hại.

Dạng cuối cùng là bệnh than trong đường tiêu hóa, xảy ra khi nạn nhân ăn thịt của động vật nhiễm bệnh. Mầm bệnh thường mất từ một đến 60 ngày để phát triển, gây triệu chứng sốt, ho, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa. Đây là dạng hiếm gặp nhất ở Mỹ, thường có tỷ lệ tử vong 20-60%, có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng sinh nếu được phát hiện sớm.

Bệnh than có biểu hiện như nào?

Bệnh than lây truyền sang người qua các phương thức sau:

Bệnh than thể ngoài da

Bệnh than thể ngoài da có đặc tính là các vết loét trên da và do phơi nhiễm với các bào tử thông qua con đường chăm sóc động vật bị bệnh hoặc lông, da, sản phẩm thịt, xương của động vật bị nhiễm vi khuẩn. Thể này chiếm 95% các trường hợp bệnh than.

Khi mắc, tổn thương thường gặp là ở đầu, cổ, các chi. Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày. Trong vòng 24-36 giờ, chúng sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng, kèm phù xung quanh với những bọng nước đỏ tím.

Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt, bệnh đã có thể có bội nhiễm, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu.

Vùng xung quanh có thể sưng phồng và đau và có thể kéo dài sau khi hình thành vảy. Các vết lở loét ảnh hưởng lên cổ có thể gây sưng phồng và có thể góp phần làm khó thở.

Thể bệnh than đường hô hấp

Thể bệnh than đường hô hấp này hiếm gặp trong tự nhiên nhưng có thể có tần suất cao trong trường hợp bào tử bệnh than được dùng làm vũ khi sinh học. Khi bào tử bệnh than được dùng dưới dạng khí dung, nó có thể lan xa trong khí quyển và thâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh với tỉ lệ tử vong cao.

Thể bệnh than đường hô hấp hay thể hít bắt đầu đột ngột, thường 1-3 ngày (có thể kéo dài 1-60 ngày) sau khi hít một lượng lớn bào tử vi khuẩn than vào hô hấp. Có thể ban đầu không có triệu chứng hô hấp hoặc khó thở đặc hiệu nhưng có thể sốt nhẹ và ho không rõ ràng.

Bệnh nhân có thể đau ngực sớm và cải thiện một cách tạm thời trước khi diễn tiến nhanh chóng sang vấn đề thở nghiêm trọng. Thể hít nghiêm trọng biểu hiện sốt cao, khó thở, thở nhanh, da tái xanh và toát nhiều mồ hôi, nôn ra máu và đau ngực có thể rất nặng giống như cơn đau tim. Thể này thường gây nên tử vong khi độc tố sinh ra bởi vi khuẩn quá mức đào thải của hệ thống tuần hoàn.

Bệnh than thể phổi hay thể hít do hít các bào tử vào đường thở vào trong phổi, có thể do người đó cầm các thực phẩm động vật chứa mầm bệnh và chuyển thành thể bệnh này. Một khi hít vào, vi khuẩn nhân lên và có thể lan rộng các độc tố của chúng vào trong dòng máu và đi đến nhiều cơ quan khác. Nhiễm trùng có thể đến gan, lách và thận. Do đó, chúng có thể gây nhiễm trùng nặng toàn thân và tử vong. Thể bệnh này còn gọi là nhiễm trùng huyết sau khi bị thể hít.

Thể bệnh than đường tiêu hóa

Bệnh than đường tiêu hóa rất khó nhận ra, người bệnh có thể sốc và tử vong trong vòng 2-5 ngày sau khi khởi bệnh. Việc nuốt các bào tử hoặc ăn thịt động vật mắc bệnh có chứa bào tử, có thể xảy ra các triệu chứng sốt, đau bụng lan tỏa kèm hồi ứng, táo bón hoặc tiêu chảy. Phân có màu bã cà phê hoặc lẫn máu. Sau khi khởi phát 2-5 ngày, có thể xuất hiện cổ trướng kèm giảm đau bụng.

Người bị bệnh than thể tiêu hóa có thể biểu hiện nôn, nôn ra máu, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, tiêu lỏng ra máu kèm theo sốt. Thể bệnh này rất khó chẩn đoán vì dễ nhầm với một số bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh có thể sinh ra loét miệng, họng. Một người có tiền sử ăn các sản phẩm có mầm bệnh sẽ cảm thấy đau họng hoặc khó nuốt. Thể này có tỷ lệ tử vong cao.


Vi khuẩn có thể truyền bệnh than từ động vật sang người.

Thể bệnh than viêm màng não

Thể bệnh than viêm màng não có thể gây biến chứng bất kỳ hình thức nào và lan rộng khắp hệ thống thần kinh trung ương và não bộ. Ðây là một biến chứng hiếm gặp song rất dễ tử vong.

Ðường xâm nhập của trực khuẩn than thường thấy nhất là qua da, nhưng cũng có thể xảy ra với thể bệnh ở đường tiêu hóa và ở hô hấp. Bệnh nhân hầu như sẽ tử vong trong vòng 1-6 ngày sau khi khởi phát, tuy được điều trị kháng sinh tích cực.

Ngoài các triệu chứng điển hình như viêm màng não mủ, bệnh than viêm màng não còn có triệu chứng đau cơ, kích động, co giật hoặc hôn mê. Tình trạng thần kinh suy sụp nhanh và sau đó là tử vong.

Thể bệnh than nhiễm trùng huyết

Bệnh than nhiễm trùng huyết là sự nhiễm trùng trực khuẩn than quá mức trong toàn bộ tuần hoàn. Điều này có thể là một biến chứng của thể hít ở trên. Các cơ quan nội tạng có thể chuyển màu đen với sự lan rộng nhiễm trùng trong máu. Vi khuẩn nhân lên trong máu và tràn lan gây nhiễm cho nhiều tế bào hồng cầu.

Hầu hết thể bệnh than nhiễm trùng máu xảy ra sau thể hít. Số vi khuẩn ly giải từ gan và lách vào trong phổi quá mức chống đỡ của cơ thể và vì thế sinh ra một lượng lớn độc chất gây chết người (lethal toxin) biểu hiện lâm sàng là sốc và tử vong.

Tóm lại, bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do bào tử hoặc vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh lây nhiễm sang người thông qua vết thương hở ngoài da, hoặc nhiễm do ăn thịt động vật bị bệnh, hoặc hít phải bào tử vi khuẩn.

Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.

Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra, xử lý ổ dịch.

Vũ khí sinh học nguy hiểm

Tuy nhiên, khi được sử dụng cho mục đích quân sự, vi khuẩn than lại trở thành một trong những vũ khí sinh học nguy hiểm nhất thế giới, theo cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Andrew Weber.

Vi khuẩn bệnh than có thể dễ dàng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đồng thời có khả năng sinh tồn cao. Chúng có thể ngủ yên trong nhiều năm trước khi xâm nhập vật chủ, tái kích hoạt và sinh sôi. Một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh than bằng móng tay cũng có khả năng làm hơn 10.000 người thiệt mạng.

Trong Thế chiến I, các nước Bắc Âu đã sử dụng mầm bệnh than để tấn công quân đội của Sa hoàng Nga. Nó cũng xuất hiện trở lại khi quân Anh tìm cách tiêu diệt các đàn gia súc lớn của phát xít Đức trong Thế chiến II.


Bệnh than từng được dùng trong đợt tấn công khủng bố tại Mỹ năm 2001. (Ảnh: NTI).

Vào năm 1993, một nhóm tôn giáo Nhật Bản đã phát tán vi khuẩn bệnh than tại khu vực công cộng tại thủ đô Tokyo, nhưng không gây thương vong. Chỉ 8 năm sau, một loạt bức thư chứa bào tử vi khuẩn bệnh than được gửi tới các văn phòng truyền thông và hai thượng nghị sĩ Mỹ, khiến 5 người thiệt mạng và 17 người bị nhiễm bệnh.

Vắc xin điều trị bệnh than đã được phát triển từ năm 1881, giúp hạn chế tối đa số người nhiễm và tử vong do nguyên nhân tự nhiên.

Dù bào tử bệnh than có thể sống sót trong thời gian dài, chúng không thể tồn tại quá 30 phút trong nước sôi hoặc 5 phút dưới nhiệt độ bàn là. Đây là phương thức hiệu quả để tiêu diệt vi khuẩn bệnh than trong các vật dụng thông thường.

Cập nhật: 25/07/2024 Theo VNE/Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video