Các nhà khoa học phát hiện báo săn có thể chạy nhanh hơn 100 km/h nhờ sở hữu trọng lượng cơ thể thích hợp.
Những động vật chạy nhanh như báo săn thường có kích thước trung bình. Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Đại học Hoàng gia London, Đại học Harvard, Đại học Queensland và Đại học Sunshine Coast tìm hiểu nguyên nhân và công bố phát hiện trên tạp chí Nature Communications, Newsweek hôm 13/3 đưa tin.
Báo săn là động vật chạy nhanh nhất hành tinh. (Ảnh: Mateo Juric).
Tiến sĩ David Labonte đến từ Khoa kỹ thuật sinh học thuộc Đại học Hoàng gia London và cộng sự phát hiện có hai giới hạn đối với việc động vật có thể chạy nhanh tới đâu, đó là cơ bắp của chúng có thể co rút nhanh và nhiều tới mức nào. Ở giới hạn đầu tiên gọi là "giới hạn khả năng động lượng", cơ bắp của động vật nhỏ hơn bị ảnh hưởng bởi việc chúng co lại nhanh tới mức nào. Với giới hạn thứ hai gọi là "giới hạn khả năng hoạt động", động vật lớn bị hạn chế bởi cơ bắp co nhiều tới đâu.
Theo giáo sư Christofer Clemente đến từ Đại học Sunshine Coast và Đại học Queensland, động vật lớn cỡ báo săn tồn tại ở điểm tốt nhất về mặt thể chất là 50kg, nơi hai giới hạn giao nhau. Do đó, chúng là loài nhanh nhất, có thể đạt tốc độ lên tới 105km/h.
Khi kiểm tra độ chính xác của mô hình, nhóm nghiên cứu nhận thấy nó dự đoán đúng tốc độ chạy tối đa của nhiều động vật khác nhau bao gồm động vật có vú lớn, chim chóc và thằn lằn. Mô hình không chỉ trả lời câu hỏi loài này chạy nhanh hơn loài khác bằng cách nào, nó còn làm sáng tỏ quá trình cơ bắp tiến hóa và cung cấp manh mối về nguyên nhân có những khác biệt lớn giữa các nhóm động vật. Ví dụ, tại sao loài bò sát lớn như cá sấu lại chậm hơn động vật có vú.
Taylor Dick, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Queensland, cho biết đó là do cơ bắp ở chi chiếm phần trăm nhỏ hơn trong cơ thể bò sát. Chúng cần đạt giới hạn hoạt động với trọng lượng cơ thể nhỏ hơn, có nghĩa chúng cần kích thước nhỏ để di chuyển nhanh. Đối với động vật lớn như tê giác và voi, hoạt động chạy giống như nâng một quả tạ khổng lồ do cơ bắp của chúng tương đối yếu và cần nhiều sức lực hơn để vượt qua trọng lực. Kết quả là động vật di chuyển chậm lại khi chúng trở nên lớn hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra loài vật nặng nhất còn sống hiện nay trên cạn là voi châu Phi với trọng lượng 6,6 tấn.