Tìm thấy hóa thạch báo săn lớn nhất từng sống trên Trái đất

Loài Acinonyx pleistocaenicus đã tuyệt chủng là loài báo săn lớn nhất mà giới nghiên cứu phát hiện thông qua hóa thạch ở Trung Quốc.

Các nhà khoa học hé lộ loài báo săn lớn nhất thế giới sau khi phân tích hóa thạch hộp sọ của sinh vật khổng lồ. Loài động vật ăn thịt to lớn này nặng ngang loài mèo lớn nhất còn sống ngày nay và gấp hơn 3 lần báo săn hiện đại, Live Science hôm 4/6 đưa tin. Báo săn Acinonyx pleistocaenicus từng lang thang trên đại lục Á Âu cách đây từ 500.000 đến 1,3 triệu năm. Nó được mô tả lần đầu tiên năm 1925 dựa trên một phần xương hàm dưới từ tỉnh Sơn Tây ở phía bắc Trung Quốc.


Hình ảnh phục dựng của báo săn khổng lồ Acinonyx pleistocaenicus. (Ảnh: Qigao Jiangzuo/Jiangzuo et al/Quaternary Science Reviews).

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia phân tích dựa theo hóa thạch phát hiện gần đây hơn từ Trung Quốc và ước tính trọng lượng của A. pleistocaenicustheo độ dài hộp sọ, độ cao của răng hàm và độ rộng cấu trúc xương nối hộp sọ với cột sống. Đây là cách dự đoán chính xác khối lượng cơ thể ở động vật có vú.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy A. pleistocaenicus nhiều khả năng nặng hơn 130kg và có thể đạt trọng lượng 190kg, tương đương kích thước và trọng lượng của hổ hiện đại (Panthera tigris) hoặc sư tử (Panthera leo). A. pleistocaenicus nặng hơn nhiều so với báo săn châu Phi (A. jubatus), loài nặng khoảng 34 - 64 kg.

Hóa thạch mà các nhà khoa học phân tích bao gồm hai xương hàm trên thu thập năm 2021 từ hang Jinyuan ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc và một phần xương sọ phát hiện vào thập niên 1930 từ hệ thống hang Zhoukoudian ở Bắc Kinh, trước đây bị nhầm là hộp sọ linh cẩu. Cả ba mẫu vật đều có niên đại cách đây khoảng 780.000 năm, trong thế Canh Tân (11.700 - 2,6 triệu năm trước).

Nhóm nghiên cứu xác định những hóa thạch này thuộc về A. pleistocaenicus nhờ chiều cao đặc trưng của loài vật, hộp sọ dày và phần mõm rộng khác thường, cùng nhiều đặc điểm khác. Các nhà khoa học cũng phát hiện loài báo săn khổng lồ đã tuyệt chủng có nhiều điểm giống báo săn châu Phi hiện đại. Ví dụ, cách sắp xếp răng của báo săn khổng lồ và vách xương phía sau mũi của chúng trùng khớp với báo săn hiện đại.

A. pleistocaenicus tuyệt chủng cách đây khoảng 500.000 năm. Sự diệt vong của loài báo săn này nhiều khả năng chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu giữa thế Canh Tân, Qigao Jiangzuo, nhà cổ sinh vật học ở Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết trong bài báo đăng trên tạp chí Quaternary Science Reviews. Vào thời kỳ đó, Trái Đất chuyển từ kỷ băng hà có chu kỳ 41.000 năm sang kỷ băng hà mạnh và kéo dài hơn xuất hiện mỗi lần cách nhau 100.000 năm, dẫn tới thời kỳ lạnh lẽo khắc nghiệt hơn xen lẫn với những khoảng thời gian ấm áp lâu hơn.

Tại một di chỉ, các nhà nghiên cứu cũng nhận dạng một loài báo săn đã tuyệt chủng khác là A. intermedius. Họ cho rằng đó là một loài riêng biệt, không phải hậu duệ nhỏ hơn của A. pleistocaenicus. Điều này chỉ ra A. pleistocaenicus có thể bị thay thế bởi những loài báo săn kích thước nhỏ.

Cập nhật: 06/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video