Tháng 10/2016, hơn 70 con cá đuối nước ngọt khổng lồ, một số con to cỡ chiếc ô tô du lịch, được tìm thấy đã chết trên sông Mae Klong (Thái Lan). Người thông báo tin này là nhà nghiên cứu, nhà thám hiểm của kênh National Geographic, Zeb Hogan.
Sự kiện này đối với những người yêu thiên nhiên, với giới chuyên môn là rất đáng báo động, bởi số lượng cá đuối nước ngọt khổng lồ vốn đã còn rất ít. Cá đuối nước ngọt khổng lồ đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên (Union for the Conservation of Nature) xếp vào danh sách đang gặp nguy hiểm và các nhà khoa học nói họ cần phải tìm hiểu thêm về đặc tính sinh học và số lượng còn lại của chúng.
Chết hàng loạt
Nhưng vì sao cá đuối nước ngọt khổng lồ, niềm tự hào của Thái Lan, lại chết hàng loạt đầy bí ẩn? Giới chức Thái Lan, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã cố công tìm câu trả lời nhưng thất bại. Quan chức Thái Lan nói kiểm nghiệm chất lượng nước nơi những con cá đuối được tìm thấy, họ phát hiện tỷ lệ phèn cao hơn nơi khác một chút. Nhưng chưa rõ điều này có liên quan đến nguyên nhân khiến cá đuối khổng lồ chết hàng loạt hay không.
Đây chưa phải là con to nhất.
Một số nhà môi trường người Thái Lan đã nghi ngờ rằng có thể một nhà máy nào đó đã đổ ethanol xuống sông khiến cá đuối khổng lồ ngộ độc. Một số khác lại tin rằng lũ cá đã có thể bị đầu độc bằng cyanua, có thể là bọn đánh cá trộm, với mục tiêu triệt hạ nhiều loài cá khác chứ không nhằm vào cá đuối khổng lồ.
Nhưng tất cả những giả thuyết ấy đều không thuyết phục. Bởi vì sao chỉ có cá đuối khổng lồ chết?
Cá đuối nước ngọt khổng lồ hiếm khi là mục tiêu của ngư dân, bởi thịt chúng không ngon. Chúng lại rất to và khỏe, hầu hết ngư cụ thông thường không tải nổi. Dân câu thể thao gặp chúng cũng rất dễ gãy cần, đứt cước dù cần to, cước lớn cỡ nào.
Gần đây, người ta tìm thấy một con cá đuối khổng lồ còn sống trên sông Mae Klong. Theo nhà nghiên cứu Hogan, nó dài hơn 4,2 m, chiều ngang đạt 2,4m, nặng 363kg. Zeb Hogan là giáo sư sinh học tại Đại học Tổng hợp Nevada, người dẫn chương trình Monster Fish trên kênh truyền hình Nat Geo Wild nổi tiếng khắp thế giới.
Zeb Hogan và một chú cá đuối nước ngọt.
Mặc dù không phải là đối tượng săn bắt của ngư dân, cá đuối nước ngọt khổng lồ thường xuyên bị mắc lưới và chết. Ô nhiễm, dầu tràn và hoạt động của các con đập thủy điện cũng tác động tiêu cực đến môi trường sống của chúng.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân cá đuối khổng lồ chết hàng loạt, nhưng theo nhà nghiên cứu Zeb Hogan, có một điều rất rõ ràng. “Về lâu dài, cần phải hạn chế các nhà máy dọc hai bên bờ sông gây ô nhiễm để cải thiện sức khỏe của dòng nước, của môi trường nhằm cứu lấy loài cá đuối khổng lồ”, ông nói.
Những con cá nửa tấn
Hogan nói thêm, các loài cá nước ngọt khổng lồ cùng những loài động vật thủy sinh có vú (cá heo nước ngọt ở Đông Nam Á hay Trung Quốc) nằm trong số những loài vật đang bị đe dọa trên thế giới do ô nhiễm, đánh cá quá mức, các hoạt động của con người dọc sông (tàu bè, đập thủy điện).
Theo trang Ecowatch, cá đuối nước ngọt khổng lồ ngày càng bị chia tách thành các nhóm nhỏ do con người xây các đập thủy điện lớn. Việc này dẫn đến hiện tượng suy giảm sư đa dạng nguồn gene của chúng. Cá đuối lớn, vốn thích trú ngụ nơi đáy cát của dòng sông, nay lại gặp nguy hiểm bởi hiện tượng bùn lắng do dòng sông bị chặn nhiều đoạn làm thủy điện.
Xác một con cá đuối bị chết không rõ nguyên nhân.
Do hình thể to lớn kỳ dị, cá đuối nước ngọt khổng lồ cồn được giới dân chơi lùng bắt làm cá cảnh trong nhà. Lên Google gõ cụm từ “bán cá đuối nước ngọt” sẽ cho ra ngay hơn 479.000 kết quả. Những con cá đuối nước ngọt khổng lồ chỉ được tìm thấy ở hai khu vực là Đông Nam Á (chủ yếu là Thái Lan) và phía bắc Australia.
Những con cá đuối to lớn này có thể nặng tới hơn 450kg. Là họ hàng của cá đuối nước mặn vốn đa dạng hơn về chủng loại, cá đuối nước ngọt khổng lồ chỉ được biết đến từ năm 1990, khi các nhà khoa học phát hiện ra chúng. Mặc dù cá đuối nước ngọt từng được tìm thấy ở khu vực nước lợ, chưa ai rõ chúng có bao giờ ra biển hay không. Và hiện số lượng của chúng ngoài tự nhiên là bao nhiêu cũng chưa ai xác định được, dù sự sụt giảm là có thể thấy rõ.
Năm 2008, tay câu người Anh Rick Humphreys tình cờ kéo lên bờ một con cá đuối nước ngọt trên sông Maeklong. Con cá theo lời mô tả của Rick nặng bằng một đứa trẻ 5 tuổi, riêng cái đuôi của nó đã dài hơn 1,5m. Nhưng bởi Rick đến từ châu Âu nên cứ ngỡ đó là một con quái ngư. Sau này anh mới biết đó chỉ là một chú cá đuối “thiếu nhi”, bởi bậc cha chú của nó còn to và nặng gấp 10 lần như thế.
Nhưng sự kiện đó vẫn là điều mới mẻ với những người như Rick Humphreys và tờ Telegraph của Anh đã có ngay một bài dài về chuyện Rick và con cá đuối.
Và mặc dù đã nghiên cứu về cá đuối nước ngọt khổng lồ trong một thời gian, tiến sỹ Zeb Hogan vẫn nói còn quá nhiều điều bí ẩn xung quanh loài động vật này.
“Tôi có rất nhiều câu hỏi về loài cá đuối này”, ông Hogan nói. “Nó có phải thực sự là một loài cá nước ngọt? Nó sinh sản ở đâu? Nó có di cư không và như thế nào?”.
Hogan nói đã từng nghe một số câu chuyện kể rằng ngư dân Campuchia từng bắt được những con cá đuối nặng trên 500kg với sải cánh 4,3m.
Cá đuối khổng lồ bị săn lùng làm thú nuôi.
Nhưng trong 5 năm nghiên cứu và tìm kiếm, ông chưa từng thấy con nào đạt kích cỡ đó.
Trong sự kiện cá đuối nước ngọt khổng lồ chết hàng loạt, người ta tìm thấy tại khu vực 2 con còn sống nhưng rất yếu. Cả hai con đều là cá cái đang mang thai (cá đuối đẻ con, không đẻ trứng). Một con được đặt tên là Mae Buaban, con còn lại là Mae Nongpho. Cả hai hồi phục sức khỏe rất nhanh. Nhưng bỗng một hôm, Mae Nongpho bỏ ăn và chết rất nhanh chỉ sau một ngày. Người ta mổ cá ra khám nghiệm thì phát hiện nguyên nhân chết là do bị sảy thai.
Cá đuối nước ngọt khổng lồ hay cá đuối sông Mekong (Danh pháp khoa học: Himantura polylepis) là một loài cá đuối nước ngọt trong họ Dasyatidae thuộc bộ cá đuối ó Myliobatiformes phân bố tại vùng bán đảo Đông Dương và đảo Borneo của Indonesia. Nhiều cá thể có kích thước khổng lồ đã được ghi nhận. Cá đuối sông Mekong là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, tuy nhiên hiện nay không ai biết còn bao nhiê con cá đuối nước ngọt sống trong sông Mekong và liệu chúng có thể sống ở biển như cá đuối nước mặn hay không, loài cá khổng lồ nước ngọt này dần biến mất một phần là do xây dựng thủy điện trên vùng sông này. |