"Loài người không thể sinh sống trên Mặt trăng và sao Hỏa do độ phóng xạ và bức xạ vũ trụ cao" - Trưởng phòng An toàn bức xạ cho các chuyến bay vũ trụ có phi hành gia thuộc Viện các vấn đề y sinh Viện HLKH Nga, ông Vyacheslav Shurshakov cho biết.
Hiện tại, ngoài Trái đất ra không có khu vực nào thuận lợi đối với sự sống của nhân loại.
"Về phương diện bức xạ thì trong hệ Mặt trời, ngoài Trái đất ra không có khu vực nào thuận lợi đối với sự sống của nhân loại. Trái đất là con tàu không gian của chúng ta, chúng ta được bầu khí quyển và từ trường bảo vệ khỏi các tia bức xạ từ Mặt trời và bức xạ vũ trụ", ông nói.
Theo ông, liều lượng phóng xạ trên Mặt trăng cao gấp 400 lần so với liều lượng trên Trái đất.
"Trên sao Hỏa, liều lượng phóng xạ thấp hơn 1,5 lần so với trên Mặt trăng, nhưng cả trên sao Hỏa lẫn Mặt trăng đều có bức xạ vũ trụ, yếu tố ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người" - nhà khoa học giải thích.
Nói về các ngoại hành tinh (các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, exoplanet) đã được khoa học khám phá, ông Shurshakov lưu ý rằng, trước tiên cần tìm xem trên đó có từ trường hay không.
"Trường từ tính tạo ra một lá chắn bảo vệ và nếu không có từ trường, thì bầu khí quyển ở ngoại hành tinh đó sẽ bị ngôi sao gần đó làm tản mát đi hết, với tất cả những hệ lụy từ đó xảy ra đối với mọi loài sinh vật" - Vyacheslav Shurshakov cho hay.