Vì sao động đất Afghanistan dưới 6 độ nhưng hơn 1500 người chết?

Trận động đất hôm 22/6 ở Afghanistan có số người thiệt mạng rất lớn, lên tới hơn 1500, là do có tâm chấn nông, diễn ra vào ban đêm và cơ sở hạ tầng ở khu vực mỏng manh.

Thảm họa hôm 22/6 là trận động đất chết chóc nhất ở Afghanistan kể từ năm 2002. Khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Paktika, cách thành phố Khost 44 km về phía đông nam, gần biên giới với Pakistan, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Trong khi đó, Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC) cho biết người dân ở Pakistan và Ấn Độ cũng có thể cảm nhận được rung lắc, nhưng không ghi nhận thiệt hại và thương vong ở Pakistan.


Người đàn ông ngồi bên cạnh đống đổ nát sau trận động đất.

Theo Reuters, EMSC nhận định trận động đất có cường độ lên tới 6,1 độ, trong khi USGC đưa ra con số 5,9.

Nếu theo số liệu của USGC, động đất 5,9 độ được xem là có mức độ mạnh vừa phải. Mỗi năm trung bình có khoảng 1.300 trận động đất có cường độ tương tự xảy ra trên khắp thế giới.

New York Times cho biết ít có sự kiện nào thu hút nhiều sự chú ý cũng như có lượng người thương vong lớn. Trong khi đó, số người chết ở Afghanistan hiện đã vượt con số 1.000 và dự kiến tăng lên sau khi kết thúc hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

Ngoài hơn 1.000 người thiệt mạng, giới chức báo cáo khoảng 1.500 người khác bị thương. Ngoài ra, ít nhất 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy. Theo đại diện của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, một nhà trung bình có 7-8 người cùng sinh sống.

Ác mộng quay trở lại sau 20 năm

Theo các chuyên gia, tâm chấn trận động đất hôm 22/6 ở Afghanistan có độ sâu khoảng 10 km. Theo USGS, động đất có tâm chấn ở độ sâu dưới 70 km được xác định là tâm chấn nông. Những trận động đất có tâm chấn nông thường gây ra thiệt hại nặng nề hơn so với tâm chấn sâu, theo ABC News.

Najibullah Sadid - chuyên gia quản lý tài nguyên nước Afghanistan - cho biết trận động đất xảy ra trùng với mùa mưa lớn trong khu vực, khiến những ngôi nhà làm theo kiểu truyền thống - trát bằng bùn và vật liệu tự nhiên - dễ bị hư hại.

Ngoài ra, thời điểm xảy ra trận động đất là vào ban đêm, kết hợp với độ sâu tâm chấn là 10 km, dẫn đến số thương vong cao, theo ông Sadid.

Đây cũng là nhận định của Mohammad Almas, người đứng đầu tổ chức từ thiện viện trợ Qamar. Ông cho rằng số người thiệt mạng sẽ còn cao hơn nữa, vì trận động đất xảy ra vào ban đêm khi mọi người đang ngủ say trong nhà và các khu vực bị ảnh hưởng nằm xa bệnh viện.


Vị trí của trận động đất hôm 22/6 trên bản đồ. (Đồ họa: BBC).

Những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất là vùng đồi núi nghèo khó và dễ bị tổn thương. Tại Paktika - một trong những vùng nông thôn nghèo nhất cả nước, nhiều người sống trong những ngôi nhà làm từ đất và đất sét.

"Tất cả đều đang ngủ ở nhà, và rồi căn phòng đổ ập xuống đầu chúng tôi”, anh Gul Faraz, người có vợ và con đang điều trị tại một bệnh viện ở Paktika, nói. Anh cho hay một số thành viên trong gia đình đã thiệt mạng.

"Tất cả ngôi nhà trong khu vực đã bị phá hủy, không phải một, mà toàn bộ nhà trong khu vực”, anh nói thêm.

Afghanistan thường xuyên hứng chịu động đất do nằm gần điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Á - Âu và Ấn Độ. Trong quá khứ, nhiều trận động đất đã xảy ra ở vùng núi Hindu Kush giáp biên giới với Pakistan.

Hơn 1.000 người chết vào năm 2002 sau 2 trận động đất ở vùng Nahrin, tây bắc Afghanistan. Theo hồ sơ từ Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia, một trận động đất mạnh xảy ra cùng khu vực vào năm 1998, cướp đi sinh mạng của 4.700 người.

Năm 2015, một trận động đất làm rung chuyển khu vực Nam Á, khiến hơn 300 người ở Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ thiệt mạng.

Công tác cứu hộ đang gặp khó khăn gì?

Văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết họ đang triển khai các đội y tế và cung cấp vật tư để hỗ trợ nhanh chóng cho Afghanistan.

Để tiếp cận được Paktika, nhân viên cứu hộ phải vượt qua rừng rậm, đồi núi và nhiều nơi chỉ có thể men theo đường đất. Không chỉ vậy, hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn hơn nữa do mưa lớn, sạt lở đất và nhiều ngôi làng nằm nép ở khu vực sườn đồi gần như không thể tiếp cận được.

"Nhiều người vẫn đang bị chôn vùi dưới lớp đất. Các đội cứu hộ đã đến nơi, và với sự giúp đỡ của người dân địa phương, chúng tôi đang cố gắng đưa thi thể và người bị thương ra ngoài", một nhân viên y tế tại bệnh viện ở tỉnh Paktika cho hay.

Bà Loretta Hieber Girardet - chuyên gia từ văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc - cho biết nỗ lực viện trợ và đưa người bị mắc kẹt ra ngoài sẽ gặp thách thức rất lớn do địa hình và thời tiết.

“Những con đường này vốn đã rất xấu ngay cả khi thời tiết đẹp", bà nói, cho biết thêm mưa kết hợp với rung chấn sẽ tạo ra nguy cơ sạt lở đất, gây nguy hiểm cho những người làm công tác nhân đạo.

Quan chức Afghanistan Salahuddin Ayubi cho biết số người chết có thể sẽ tăng lên "do một số ngôi làng ở vùng sâu vùng xa trên núi và mất nhiều thời gian để thu thập thông tin chi tiết".

Việc tổ chức ứng cứu sau động đất là thách thức lớn với chính quyền Taliban. Lực lượng này lên nắm quyền đất nước từ tháng 8/2021 và gần như bị cô lập với cộng đồng quốc tế, không nhận được viện trợ nước ngoài vì đường lối cứng rắn, trong đó áp đặt một số hạn chế lên phụ nữ và trẻ em gái.

Cập nhật: 24/06/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video