Vì sao giới khoa học lo sợ bệnh X bí ẩn tại Congo?

Bệnh nhân đầu tiên xuất hiện triệu chứng giống sốt xuất huyết. Các bác sĩ tại Congo không thể tìm ra loại virus gây nên tình trạng này.

Nữ bệnh nhân ngồi lặng lẽ trên chiếc giường tại Ingende - thị trấn xa xôi ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Cô như muốn trốn thoát khỏi buồng bệnh như chiếc xà lim, để ra ngoài ôm lấy hai đứa con nhỏ mới tập đi. Họ đang chờ đợi kết quả xét nghiệm Ebola.

Nữ bệnh nhân chỉ được giao tiếp với người thân qua cửa sổ có tấm chắn nhựa trong. Danh tính của người này được giữ bí mật để bảo vệ cô không bị người dân trong làng tẩy chay. Các con của cô đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus Ebola.

Ở Ingende, nỗi sợ hãi về loại virus mới, gây chết người đang lớn lên từng ngày. Nữ bệnh nhân trên đã hồi phục, không còn các triệu chứng như khi mắc Ebola. Nhưng điều khiến các bác sĩ tại đây sợ hãi hơn, đó là họ không tìm được dấu vết gây nên tình trạng này.

Mẫu máu của cô đã được kiểm tra tại chỗ và gửi tới Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo (INRB) ở Kinshasa. Chúng được kiểm tra, so sánh với các chủng bệnh có triệu chứng sốt xuất huyết tương tự.

Kết quả, căn nguyên gây bệnh bốc hơi không để lại bất kỳ dấu vết nào, trở thành bí ẩn không thể giải với y bác sĩ Congo. Họ lo lắng về loại virus mới nguy hiểm có thể xuất hiện, được dự báo lây lan cho nhân loại nhanh như Covid-19 và gây tỷ lệ tử vong từ 50 đến 90% như Ebola.


Bác sĩ Dadin Bonkole, người làm việc tại vùng đỏ của dịch Ebola tại Bệnh viện Ingende, Congo. (Ảnh: CNN).

Đe dọa nhân loại

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh X là cách gọi cho giả thuyết, đợt bùng phát mà các nhà khoa học, chuyên gia y tế công cộng lo ngại có thể dẫn tới đại địch toàn cầu. Ký tự X biểu thị cho sự bất ngờ và tính bất định.

Theo bác sĩ Dadin Bonkole, người làm việc tại vùng đỏ của dịch Ebola tại Bệnh viện Ingende, Congo, “nhân loại đều phải sợ hãi” với căn bệnh này. Ebola, Covid-19 đều là những dịch bệnh chưa từng được biết đến và ập tới rất bất ngờ. Chúng ta buộc phải cẩn trọng với những căn bệnh mới tương tự.

Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo vẫn lo lắng về nữ bệnh nhân với triệu chứng tương tự Ebola nhưng chưa xác định được mầm bệnh. Nhóm chuyên gia nghi ngờ đây có thể là loại virus mới. Nhưng cũng không loại bỏ trường hợp là căn bệnh đã gây dịch cho loài người mà khoa học từng biết đến, tuy nhiên, không có xét nghiệm nào được thực hiện để giải thích nó.

Người đứng đầu các dịch vụ y tế ở Ingende, tiến sĩ Christian Bompalanga, cho biết thêm: “Chúng tôi ghi nhận những trường hợp có triệu chứng rất giống Ebola. Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm, họ âm tính với virus này”. Ngay sau khi ghi nhận sự việc, giới chức Congo đã cách ly bệnh nhân, điều trị. Nhưng đến thời điểm này, sau nhiều tuần điều tra, họ vẫn chưa đưa ra được chẩn đoán rõ ràng cho căn bệnh.


Một trong những vệ binh tuyến đầu, săn lùng các chủng virus nguy hiểm có nguy cơ bùng phát thành dịch ở người tại châu Phi. (Ảnh: Telegraph).

Giáo sư Jean-Jacques Muyembe Tamfum, người đã phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976, cảnh báo nhân loại phải đối mặt vô số loại virus mới và có khả năng gây tử vong xuất hiện từ các khu rừng mưa nhiệt đới của châu Phi. Ông trả lời phỏng vấn của CNN: “Chúng ta đang ở trong thế giới mà mầm bệnh mới sẽ xuất hiện bất cứ khi nào. Và đó là mối đe dọa cho nhân loại”.

Ngược về quá khứ, khi truy tìm dấu vết của Ebola, ông Jean đã lấy những mẫu máu của các nạn nhân đầu tiên mắc chứng bệnh xuất huyết bí ẩn. Nó giết chết 88% bệnh nhân và 80% nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Yambuku Mission (Congo) khi nó được phát hiện.

Các lọ máu được gửi đến Bỉ và Mỹ. Tại đây, nhiều nhà khoa học tìm thấy loại virus có hình con giun. Họ gọi đó là “Ebola”, theo tên con sông gần với ổ dịch Zaire.

Việc xác định Ebola thực hiện dựa trên chuỗi kết nối từ những vùng xa xôi nhất của rừng nhiệt đới châu Phi với các phòng thí nghiệm công nghệ cao ở phương Tây. Ngày nay, các nhóm nghiên cứu tại phương Tây mong ngóng tin tức của những chuyên gia châu Phi ở Congo. Họ là nhóm lính canh, vệ binh mũi nhọn cảnh báo những căn bệnh trong tương lai.

Virus mới đang gia tăng

Kể loại đầu tiên lây nhiễm đầu tiên từ động vật sang người (sốt vàng da được xác định năm 1901), các nhà khoa học đã tìm ra ít nhất 200 virus khác có thể gây hậu quả tương tự. Theo nghiên cứu của giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Mark Woolhouse, Đại học Edinburgh, Anh, 3-4 loài virus mới đang được phát hiện mỗi năm. Phần lớn chúng có nguồn gốc từ động vật. Các chuyên gia cho rằng số lượng virus mới ngày càng tăng, phần lớn là kết quả của sự tàn phá sinh thái, buôn bán động vật hoang dã.

Giáo sư Jean đang điều hành Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo ở Kinshasa. Tổ chức này được hỗ trợ từ các nhà khoa học tại Nhật Bản, Mỹ, WHO, Liên minh châu Âu và nhiều đơn vị tài trợ quốc tế khác. Theo vị chuyên gia này, nếu một mầm bệnh xuất hiện ở châu Phi, nó sẽ mất nhiều thời gian để lây lan ra toàn thế giới. Do đó, ông cho rằng con người phát hiện sớm được virus sẽ giúp nhân loại có cơ hội đưa phương án đối phó kịp thời, hạn chế rủi ro thấp nhất.


Hàng chục virus chủng corona đã được tìm thấy trên dơi trong nhiều năm gần đây. (Ảnh: CNN).

Nhóm của ông Jean thường xuyên đối mặt hiểm nguy. Nhưng họ là thành phần không thể thiếu trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh của thế giới. Nhóm tiếp xúc hàng chục con dơi hoang dã, nếu không cẩn thận, chỉ một vết cắn nhỏ cũng khiến dịch bệnh bùng phát ra toàn cầu. Bởi dơi là động vật chứa hàng chục loại virus chủng corona. Không ai biết chúng còn có thể nguy hiểm đến mức nào với thế giới.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu mặc nhiều đồ bảo hộ nhất có thể với kính, quần áo kín chống hiểm họa sinh học màu vàng, giày, găng tay bịt mọi lỗ hổng, mũ trùm qua đầu, tai và khẩu trang chống khuẩn dày.

Phát biểu độc quyền với CNN tại thủ đô Kinshasa của Congo, giáo sư Jean cảnh báo về nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang nugời sẽ xảy ra. Sốt vàng da, các dạng cúm, dại, brucella, Lyme…, là những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, thường qua vật trung gian là loài gặm nhấm hoặc côn trùng. Chúng đã gây ra hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm, tàn phá thế giới trong quá khứ.

Virus HIV xuất hiện từ tinh tinh và biến đổi thành bệnh dịch chưa thể đẩy lùi của nhân loại. SARS, MERS và SARS-CoV-2 đều là các virus thuộc chi corona, đã truyền sang người từ “ổ chứa” không xác định. Giáo sư Jean cảnh báo nhân loại về các đại dịch trong tương lai có thể tệ hơn Covid-19. Và căn bệnh bí ẩn tại Congo vừa qua là tín hiệu báo trước khiến giới khoa học không khỏi lo lắng về tai họa đe dọa nhân loại.

Cập nhật: 08/01/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video