Mầm bệnh lây truyền mới có nguồn gốc từ động vật có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và sẽ trở thành mối đe dọa cho nhân loại.
Biểu hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết, nữ bệnh nhân ngồi lặng lẽ trên giường tại một bệnh viện ở Ingende, một thị trấn hẻo lánh thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Bệnh nhân chỉ có thể nói chuyện với người thân của mình qua cửa sổ được ngăn bằng tấm nhựa trong. Danh tính của cô được giữ bí mật, để bảo vệ cô khỏi người dân địa phương tẩy chay vì lo sợ nhiễm Ebola. Các con của cô cũng được kiểm tra nhưng hiện tại không có triệu chứng gì.
Tại một phòng thí nghiệm ở Mbandaka, các nhà khoa học chuẩn bị lấy mẫu máu từ một con dơi bắt được trong rừng. (Ảnh: CNN)
Theo kênh CNN, đối với căn bệnh Ebola, các bác sĩ ở đây đều có vaccine và phương thức chữa trị, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người phụ nữ này không mắc Ebola? Thay vào đó, cô ấy trở thành bệnh nhân số O của căn bệnh “X” – ca bệnh đầu tiên của một loại mầm bệnh mới có thể lây lan nhanh như Covid-19 và tỷ lệ tử vong lên tới 50-90% như Ebola?
Trong quá trình theo dõi và điều trị cho bệnh nhân này, các bác sĩ trang bị tất cả những vận dụng cần thiết nhất có thể: khẩu trang, kính bảo hộ, quần yếm chống hiểm họa sinh học, găng tay dán kín, mũ trùm đầu và vai. Họ lo sợ nữ bệnh nhân trên có thể có những triệu chứng như mắc Ebola nhưng trên thực tế không phải vậy. Nó có thể là một loại virus mới, là một trong những loại bệnh từng được biết đến trước đây, song kết quả xét nghiệm đều không thể giải thích triệu chứng sốt cao và tiêu chảy của bệnh nhân này.
“Các xét nghiệm liên quan đến Ebola đều âm tính. Chúng tôi sẽ phải tiến hành xét nghiệm thêm để xem chuyện gì đang diễn ra. Tại thời điểm này, cũng có một vài ca nghi nhiễm”, Tiến sĩ Christian Bompalanga – người đứng đầu dịch vụ y tế tại Ingende – cho hay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "bệnh X" là tên gọi của một loại bệnh giả thuyết, một đợt bùng phát mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế lo ngại có thể dẫn đến một dịch bệnh hiểm nghèo trên toàn thế giới. "X" là viết tắt của từ “bất ngờ”.
Bác sĩ Dadin Bonkole nói: “Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi. Chúng ta chưa biết nguyên nhân gây ra Ebola, gây ra Covid-19. Nên chúng ta phải đề phòng những căn bệnh mới”.
Theo Giáo sư Jean-Jacques Muyembe Tamfum - người đã giúp phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976, nhân loại phải đối mặt với vô số loại virus mới có khả năng gây tử vong xuất hiện từ các khu rừng mưa nhiệt đới của châu Phi.
“Hiện chúng ta đang ở trong một thế giới mà mầm bệnh mới sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào. Và đó là những gì tạo thành mối đe dọa cho nhân loại”, vị chuyên gia nhận định.
Dịch bệnh xuất hiện ở những nơi có mật độ dân số cao và môi trường điều kiện thuận lợi cho virus sinh sống. (Ảnh: CNN)
Kể từ khi bệnh dịch được phát hiện đầu tiên lây truyền từ động vật sang người, căn bệnh sốt vàng da được xác định vào năm 1901, các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 200 loại virus khác có thể gây bệnh cho người. Theo nghiên cứu của Mark Woolhouse - Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, mật độ các loài virus mới được phát hiện trong mỗi năm là là ba đến bốn loại. Phần lớn chúng có nguồn gốc từ động vật.
Các chuyên gia cho rằng số lượng virus mới ngày càng gia tăng phần lớn là kết quả của sự tàn phá sinh thái và hành vi buôn bán động vật hoang dã. Khi môi trường sống tự nhiên của chúng biến mất, các loài động vật như chuột, dơi và côn trùng phải tìm nơi cư trú khác. Chúng có thể sống bên cạnh con người và thường bị nghi ngờ là vật trung gian truyền bệnh mới cho con người.
Các nhà khoa học đã liên hệ các đợt bùng phát dịch Ebola trong quá khứ cùng thời điểm với quá trình xâm lấn nghiêm trọng của con người vào rừng nhiệt đới. Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu vệ tinh để xác định rằng 25 trong số 27 ổ dịch Ebola từ năm 2001 đến năm 2014 nằm dọc hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Trung và Tây Phi bắt đầu ở những nơi đã từng bị phá rừng khoảng hai năm trước đó. Họ nói thêm các đợt bùng phát dịch Ebola xuất hiện ở những nơi có mật độ dân số cao và môi trường điều kiện thuận lợi cho virus sinh sống.
Liên hợp quốc từng lên tiếng cảnh báo nếu tình trạng phá rừng và xu hướng gia tăng dân số tiếp tục như hiện nay, rừng nhiệt đới tại châu Phi có thể đã hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ này. Khi điều đó xảy ra, động vật và virus mà chúng mang theo sẽ tiếp xúc với con người theo những cách thảm họa nhất.
Để ngăn ngừa sự lây lan của các mầm bệnh mới, giới khoa học đã tạo ra các hệ thống cảnh báo sớm. Giáo sư Muyembe hiện điều hành Viện Nghiên cứu Y tế Congo (INRB) ở Kinshasa. Viện này được Nhật Bản, Mỹ, WHO, Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế khác tài trợ.
Với các phòng thí nghiệm An toàn sinh học Cấp độ 3, khả năng giải trình tự bộ gen và trang thiết bị đẳng cấp thế giới, cơ sở này không phải là một hoạt động hỗ trợ từ thiện mà là một khoản đầu tư chiến lược.
Được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và WHO hỗ trợ, các phòng thí nghiệm INRB là hệ thống cảnh báo sớm cho thế giới về những đợt bùng phát các dịch bệnh.
Tiến sĩ Muyembe giải thích: “Nếu một mầm bệnh xuất hiện từ châu Phi, sẽ mất nhiều thời gian để lây lan ra toàn thế giới. Vì vậy, nếu virus được phát hiện sớm, các châu lục khác sẽ có cơ hội phát triển chiến lược mới để chống lại những mầm bệnh mới này”.