Đám mây lạ phát sáng xanh ở Nam Cực: Có nguồn gốc ngoài hành tinh

  •  
  • 1.455

NASA cho biết phát hiện trên đến từ dự án quan sát AIM, dùng nhiều phương tiện viễn thám quan sát bầu trời đêm Nam Cực.

Hình ảnh cho thấy đám mây khổng lồ phát sáng dưới nhiều sắc độ
Hình ảnh cho thấy đám mây khổng lồ phát sáng dưới nhiều sắc độ - (Ảnh: NASA).

Thông thường chúng ta không thể nhìn thấy mây vào ban đêm, trừ vài đám mây lờ mờ được ánh trăng chiếu rọi. Nhưng NASA đã ghi nhận một loại mây độc nhất vô nhị: mây dạ quang, là "đứa con" sinh ra từ sự kết hợp giữa các yếu tố trên Trái đất và vật chất ngoài hành tinh!

Vào mùa hè ở Nam Cực, tầng trung lưu của bầu khí quyển ẩm ướt nhất, vì không khí từ tầng đối lưu di chuyển lên trên mang theo hơi nước. Chúng gặp gỡ thứ gọi là "bụi sao băng" ở tầng đối lưu, chính là tàn tích của các thiên thạch đã lao vào bầu khí quyển và bị nghiền nát.

Các phân tử nước đóng băng, kết dính lại xung quanh lớp bụi mịn ngoài hành tinh này và hình thành mây dạ quang, hay còn gọi là "mây trung quyển địa cực", vì tập trung ở Bắc Cực và Nam Cực. Do là một dạng mây băng giá nên chúng phản chiếu mạnh mẽ ánh sáng mặt trời và có thể tỏa sáng ngay trong đêm.

Nói trên Sci-Tech Daily, tiến sĩ James Russell, nhà khoa học chính của AIM, đến từ Đại học Hampton ở Virgnia (Mỹ) cho biết "mùa" mây dạ quang đến mỗi năm một lần. Một số yếu tố như nhiệt độ, kích thước của lỗ thủng tầng ozone, các dòng khí quyển và gió Tây có thể ảnh hưởng đến mùa mây dạ quang này. Những đám mây đặc biệt này cũng giúp các nhà khoa học trong các nghiên cứu về sóng trọng lực, chu kỳ Mặt Trời..., bởi sự hình thành và tồn tại của chúng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thứ.

Cập nhật: 04/01/2021 Theo NLĐ
  • 1.455