Gà trống, gà mái và gà con, hàng ngàn con chạy tự do trên đảo Kauai, một hòn đảo ở Hawaii. Chúng ở đó trên bãi biển, trong bãi đậu xe, trên đường, thậm chí còn tự do chạy qua những cửa sổ đang mở.
Kauai là đảo lâu đời nhất của quần đảo Hawaii. Với diện tích 1,456.4km vuông, đây là đảo lớn thứ 4 trong các hòn đảo thuộc quần đảo Hawaii và đảo lớn thứ 21 tại Hoa Kỳ. Gà hoang ở Kauai có lịch sử phong phú kéo dài hàng thế kỷ, mỗi thời đại đều góp phần tạo nên sự đa dạng độc đáo của chúng. Từ sự xuất hiện của người Polynesia và sự du nhập của loài gà đến sự lai tạo do những người định cư châu Âu mang đến, cho đến những cơn bão vô tình thả đàn gia cầm vào tự nhiên.
Kauai, được biết đến với phong cảnh tươi tốt và những bãi biển hoang sơ, tuy nhiên hòn đảo này lại nổi tiếng nhờ vào việc nó bị lũ gà xâm chiếm. Những con gà hoang dã này đã sinh sống trên hòn đảo lớn thứ tư của quần đảo Hawaii trong hơn một nghìn năm và sự hiện diện của chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa địa phương, với các cửa hàng quà tặng chứa đầy những biểu tượng liên quan đến chúng.
Những con gà hoang mà bạn nhìn thấy trên đảo ngày nay là sự pha trộn giữa các giống cổ xưa mà những người định cư Polynesia đã mang đến đó khoảng một thiên niên kỷ trước (rất giống gà rừng đỏ, một họ hàng của gà lôi Đông Nam Á được thuần hóa khoảng 8.000 năm trước) và giống gà lôi thuần hóa sau này được thực dân châu Âu du nhập vào. Sự lai tạo này đã dẫn đến sự xuất hiện của những giống gà mới sở hữu những đặc điểm của cả gà nhà và gà hoang dã.
Gà hoang của Kauai một phần có nguồn gốc từ gà rừng đỏ (Gallus gallus), một loài gà lôi nhiệt đới thuộc họ Phasianidae phân bố khắp Đông Nam Á và một phần Nam Á, và được người Polynesia đưa đến đảo cách đây 800-1000 năm.
Tuy nhiên, số lượng gà ở Kauai đã bùng nổ trong những thập kỷ gần đây do một số yếu tố. Bão Iwa năm 1982 và Iniki năm 1992 đã phá hủy nhiều chuồng trại ở sân sau của những người dân, khiến cho nhà được thả ra ngoài tự nhiên. Ngoài ra, tại bang Hawaii, tất cả các loài chim hoang dã đều được bảo vệ theo luật của Tiểu bang, bao gồm cả gà hoang. Không có động vật săn mồi tự nhiên nào kiểm soát số lượng của chúng, ngoài chó và mèo, những con gà này đã phát triển mạnh trong môi trường thuận lợi của hòn đảo. Và mặc dù bị cấm nhưng khách du lịch vẫn cho chúng ăn nên dân số của chúng vẫn tiếp tục tăng.
Mặc dù chúng có vẻ vô hại nhưng người dân địa phương cảnh báo rằng, những con gà hoang này có thể mang nhiều loại bệnh khác nhau, vì vậy tốt nhất bạn nên chiêm ngưỡng chúng từ xa và đừng cố cho chúng ăn. Là động vật có tính lãnh thổ, một số cá thể có thể hung dữ, có khả năng gây thương tích bằng mỏ và móng vuốt sắc nhọn của chúng!
Ở Hawaii, tất cả các loài chim, kể cả gà hoang, đều được coi là động vật được bảo vệ và dù sao thì thịt của chúng cũng dai hơn thịt gà thông thường nên người dân cũng không muốn săn và ăn thịt chúng.
Tuy nhiên, những phiền toái không kết thúc ở đó. Ví dụ, tất cả gà trống gáy đồng loạt vào lúc bình minh, điều này có thể gây khó chịu hơn trong kỳ nghỉ. Những con gà hoang này cũng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân địa phương khi chúng dễ dàng xâm nhập vào các khu vườn và tàn phá các luống rau, cây cảnh. Ngoài ra, sự hiện diện của gà hoang còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương và hầu hết các vụ tai nạn ô tô đều do chúng gây ra.
Vậy chính xác thì trên hòn đảo này có bao nhiêu con gà hoang? Thật khó để có thể đưa ra con số chắc chắn, vì gà hoang không được theo dõi hoặc đếm, nhưng số lượng của chúng ước tính vào khoảng 450.000 con, trong khi đó chỉ có khoảng 72.000 người sinh sống ở Kauai.
Những nỗ lực để quản lý đàn gà hoang tai đây bao gồm phạt tiền khi cho chúng ăn, nỗ lực kiểm soát sinh sản ở gia cầm và đặt bẫy, nhưng những biện pháp này chỉ đạt được một vài thành công hạn chế.
Gà hoang ở Kauai đã gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Chúng ăn bọ, giúp kiểm soát số lượng rết. Nhưng hành vi tìm kiếm thức ăn của chúng gây lại thiệt hại cho cây trồng và thực vật bản địa. Điều này có thể làm tổn thương các loài bản địa và đa dạng sinh học. Ngoài ra, đôi khi chúng còn làm phiền con người. Chúng có thể ồn ào, mang mầm bệnh và gây rối.
Theo nhà khảo cổ học Dale Serjeantson công tác tại Đại học Southampton, những ruộng lúa tại Đông Nam Á đã góp công lớn trong thuần hóa gà rừng.
Năm 2020, nghiên cứu phân tích gene của 863 cá thể gà đã khẳng định phân loài gà rừng Gallus gallus spadiceus, hay còn được gọi là gà rừng Myanma, chính là tổ tiên của gà hiện đại; gà ngày nay có nhiều DNA trùng khớp với Gallus gallus spadiceus hơn bất cứ phân loài nào khác. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học có thể khẳng định quá trình thuần hóa đã diễn ra tại Đông Nam Á.
Theo lời nhà cổ sinh học Greger Larson, ngay cả khi gà được thuần hóa muộn hơn những con vật khác, gà vẫn là loài được thuần hóa thành công nhất hành tinh. Số lượng gà đang áp đảo con người với tỷ lệ 10:1.