Vì sao lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn?

Trong các vụ sạt lở đất, nhân chứng cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ lớn trước khi đất đá đổ xuống. Phải chăng trận lở đất nào cũng được "kích hoạt" bằng những vụ nổ lớn?

Cấu trúc đất đá bị bẻ gãy

Theo tạp chí khoa học Science News, sạt lở là quá trình đất, cát, đá di chuyển từ trên núi cao xuống dốc hoặc từ mặt đất xuống lòng sông, biển. Dưới tác động của lực hấp dẫn, sạt lở mang theo nhiều khối đất đá lớn và vô số vật thể vỡ vụn theo trên đường đi.

Diễn tiến một vụ sạt lở đất có thể chỉ mất vài giây, nhưng cũng có khi lên đến cả trăm năm. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm việc thay đổi độ dốc của sườn núi theo thời gian, sự suy yếu của đất đá do thời tiết, hay sự biến đổi của thảm thực vật trong khu vực.

Tuy nhiên, thường gặp nhất là sạt lở đất sau những cơn mưa lớn, đặc biệt khi trước đó các lớp đất này trải qua giai đoạn khô hạn kéo dài.


Quá nhiều nước sẽ làm tăng áp lực lỗ rỗng, giảm ma sát và đẩy nhanh quá trình xói mòn.

Nước mưa có thể tăng hoặc giảm độ ổn định của đất tùy vào điều kiện thực tế. Chẳng hạn, lớp đất nhận đủ nước có thể tăng sự kết dính nhờ vào sức căng bề mặt của nước.

Dù vậy, quá nhiều nước sẽ làm tăng áp lực lỗ rỗng, giảm ma sát và đẩy nhanh quá trình xói mòn. Đó là chưa kể ở những khu vực đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm, một trận mưa lớn có thể khiến chúng trong trạng thái bão hòa nước. Diện tích rừng suy giảm nên không có khả năng hỗ trợ đất đá giữ nước.

Vì vậy, ở những khu vực này, khi sự chuyển tiếp thời tiết càng gay gắt - có thể ngay sau một đợt nóng hạn kéo dài là những trận mưa bão dồn dập, nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng càng lớn.

Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều loại đá. Với những lớp đá đã bị phong hóa nhiều năm, do cấu trúc vốn đã yếu lại phải trải qua khô hạn rồi đến ngay mưa lớn, chúng dễ bị tách làm đôi, làm ba, hoặc tách rời khỏi sườn núi. Với một số khối đá lớn, việc phân tách có thể gây ra tiếng nổ.

Năng lượng sinh ra từ vụ nổ đủ để khởi phát một đợt sạt lở ở những nơi đất vốn đã yếu, chỉ chờ cơ hội để đổ ầm. Được biết, đất đá ở khu vực Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị chủ yếu là granit phức hệ Hải Vân.

Loại sạt lở này thường có tốc độ cực nhanh, có khi lớn hơn 3m/s. Những loại sạt lở chậm thường chỉ diễn ra từ 2-5 cm/năm.

Nhiều vụ sạt lở có thể kéo theo khối đất đá từ vài trăm ngàn tới 2 triệu m3, đi xa đến 1 km. Số lượng này thậm chí có thể ngăn chặn nhiều dòng chảy như sông suối hoặc thậm chí gây lũ quét ở vùng hạ du.


Nhiều vụ sạt lở có thể kéo theo khối đất đá từ vài trăm ngàn tới 2 triệu m3, đi xa đến 1km.

Những vụ lở đất thương tâm

Hằng năm, sạt lở đất luôn có mặt trong danh sách những vụ thiên tai để lại thiệt hại lớn trong năm trên khắp thế giới.

Đầu tháng 7/2020, Myanmar ghi nhận vụ lở đất khủng khiếp sau đợt mưa lớn kéo dài tại một mỏ đá quý ở thị trấn Hpakant, bang Kachin. Bộ Thông tin nước này cho hay, đất đá từ một vách cao hơn 300m bất ngờ đổ ập xuống, chôn vùi những công nhân đang làm việc trong mỏ.

Vụ việc làm ít nhất 130 người chết. Điều đáng nói, cũng tại khu vực này vào năm 2015 cũng xảy ra một vụ lở đất làm 116 người tử vong.

Tháng 1/2019, sạt lở đất xảy ra tại một đường hầm đào vàng ở tỉnh Badakhshan, đông bắc Afghanistan. Theo BBC, người dân địa phương đã đào một đường hầm sâu khoảng 60m để tìm vàng. Tuy nhiên đường hầm lại nằm gần sông nên đất đá yếu và bị đổ bất ngờ. Tai nạn chôn vùi ít nhất 30 công nhân đang làm việc tại đây.

Một trong những vụ sạt lở để lại hậu quả nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm 2017 tại thị trấn Mocoa, thủ phủ tỉnh Putumayo (Colombia), cướp đi sinh mạng của gần 300 người, làm bị thương 330 người.

Mưa lớn đã khiến ba con sông lớn trong khu vực tràn bờ, cuốn theo đất đá lở hai bên bờ, tràn vào Mocoa. CNN ghi nhận thị trấn Mocoa như ngập trong bùn, đất đá sau thảm họa.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mưa nhiều là nguyên nhân chính gây vụ sạt lở đất này, bên cạnh nhiều yếu tố khác trong đó có nạn phá rừng làm mất đi lớp thực vật giữ nước, đất.

Cập nhật: 21/10/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video