Vì sao khi đốt củi lại có tiếng nổ lép bép?

  •  
  • 1.907

Để hiểu được vì sao hiện tượng này xảy ra, chúng ta hãy cùng xem khi một thanh gỗ được đốt thì có chuyện gì xảy ra.

Trước tiên, thanh gỗ sẽ được nung nóng. Bên trong thanh gỗ có những túi nhỏ chứa nước và nhựa cây. Cũng giống như khi nước trong ấm được đun sôi và bay hơi thì nước trong thanh gỗ cũng vậy. Khi thanh gỗ bị đốt nóng, nước và nhựa bên trong bắt đầu sôi và chuyển sang thể khí. Thanh gỗ càng nóng thì các túi chứa nước và khí càng nở to.

Nếu bạn cho củi ướt vào bếp, bạn sẽ thấy có nhiều tiếng nổ hơn củi khô.
Nếu bạn cho củi ướt vào bếp, bạn sẽ thấy có nhiều tiếng nổ hơn củi khô.

Các túi khí này bục ra như thế nào?

Trong khi nước và nhựa cây chuyển sang thể khí thì có một điều gì đó cũng xảy xa bên trong thanh gỗ. Gỗ có thành phần chính là cellulose. Khi cellulose bị nung nóng, nó bắt đầu bị phá vỡ hay còn gọi là “phân hủy”. Ví như chẳng may bạn để quên một quả táo trong hộp đựng đồ ăn trưa độ một tuần thì quả táo sẽ chuyển sang màu nâu và chảy nước, đó là khi nó phân hủy. Khi một vật trong tự nhiên phân hủy, nó sẽ biến đổi.

Khi gỗ bị lửa đốt đủ nóng, cellulose bên trong gỗ tắt đầu chuyển sang thể khí. Đây chính là lúc chúng ta nhìn thấy khói tỏa ra từ thanh gỗ, đôi khi khói tỏa ra trước cả khi lửa cháy.

Lửa cháy khi khí thoát ra khỏi thanh gỗ kết hợp với oxygen trong không khí. Oxygen giống như thức ăn cho lửa vậy, nhờ có oxy mà lửa cháy sáng.

Khi gỗ cháy, sự kết hợp giữa các túi khí nở phồng với cellulose phân hủy sẽ khiến cho các túi khí trong thanh gỗ vỡ ra, từng túi từng túi một. Túi khí vỡ tạo ra những âm thanh lách tách mà bạn có thể nghe thấy.

Vì thế gỗ càng chứa nhiều nước và nhựa thì càng có nhiều tiếng nổ và nổ càng to hơn. Nếu bạn đã từng bỏ những thanh củi ướt vào bếp lửa, có thể bạn đã nhận ra có nhiều tiếng nổ hơn là củi khô.

Làm sao mà củi lại có nước và nhựa ở bên trong được?

Gỗ trông vậy mà không thực sự đặc như bạn nhìn thấy đâu. Nó có những lỗ bé tí tẹo, bé đến nỗi mắt thường không nhìn thấy được và các lỗ này chứa nước và nhựa bên trong.

Chúng ta đều biết gỗ, củi chính là từ cây mà ra. Khi cây còn sống, chúng thường xuyên hút nước từ đất lên và nước được giữ trong các lỗ bé xíu trong cành và thân cây, các lỗ này được gọi là các mô mạch. Khi cây bị chặt để lấy gỗ, những mô mạch này vẫn giữ lại nước và nhựa.

Nước còn có thể thấm vào gỗ bằng cách khác. Nếu củi bị để dưới mưa thì củi sẽ ngấm nước, hoặc đôi khi các côn trùng đục những lỗ nhỏ trên thanh gỗ làm cho nước ngấm vào.

Ngồi trước một bếp lửa ngắm nhìn các thanh củi cháy và nghe những tiếng nổ lép bép thật là vui mắt vui tai. Hầu hết các “vụ nổ” này chỉ bé xíu thôi, nhưng thỉnh thoảng bạn có thể thấy một vài “vụ nổ” làm bắn ra các tàn tro đang cháy đỏ hồng nữa. Vì thế mà bạn nên cẩn thận giữ một khoảng cách an toàn với bếp củi.

Cập nhật: 23/11/2019 Theo Dân Trí
  • 1.907