Nghiên cứu mới hé lộ một số loài rắn độc sử dụng "thủ thuật" điện tích để ngăn chất độc của bản thân tác động đến hệ thần kinh.
Động vật có nọc độc mạnh, trong đó có các loài rắn, phải phát triển khả năng miễn dịch để tránh tự trúng độc. Cơ chế miễn dịch rất đa dạng và giới khoa học vẫn chưa thể hiểu hết. Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Royal Society B, các chuyên gia tại Đại học Queensland phát hiện một số loài rắn độc miễn dịch nhờ "thủ thuật" điện tích, IFL Science hôm 15/1 đưa tin. Một số loài rắn không độc khác cũng áp dụng phương pháp này.
Hổ mang chúa, loài rắn sử dụng chất độc thần kinh để hạ gục con mồi. (Ảnh: Kailash Kumbhkar).
Dùng chất độc thần kinh là một cách phổ biến giúp rắn hạ gục con mồi. Một số loài rắn tránh tự đầu độc mình bằng cách chặn cơ quan cảm nhận. Tiến sĩ Bryan Fry tại Đại học Queensland ví phương pháp này với việc đặt một thanh chắn ở lối vào, ngăn các phân tử độc xâm nhập.
Nghiên cứu mới hé lộ một cách kháng độc khác. Nhóm chất độc thần kinh alpha mà một số loài rắn sử dụng chứa amino axit điện tích dương. Chất độc này đặc biệt hiệu quả với đa số động vật vì phần cơ quan cảm nhận mà chúng nhắm đến tích điện âm. Tuy nhiên, rắn đã tiến hóa để thay đổi điện tích cơ quan cảm nhận của mình.
"Việc cố ghép hai thứ điện tích dương với nhau giống như ghép hai cực cùng dấu của nam châm vậy. Không kết nối được với cơ quan cảm nhận, chất độc sẽ không thể tác động đến thần kinh", Fry giải thích.
Fry cùng đồng nghiệp phát hiện, cơ chế kháng độc điện tích này đã tiến hóa ít nhất 10 lần một cách độc lập ở các loài rắn khác nhau. Điểm chung của chúng, trừ loài mang sẵn nọc độc, là sống gần các loài rắn săn mồi bằng chất độc thần kinh alpha.
Vậy tại sao các sinh vật khác không áp dụng cơ chế miễn dịch này để tất cả đều kháng được độc? "Chúng phải trả một cái giá nào đó. Trong nghiên cứu trước, chúng tôi nhận thấy ở những nơi không còn bị hổ mang săn, rắn lục cũng mất khả năng kháng độc. Vì vậy, chúng phải chịu áp lực chọn lọc nào đó", Fry nhận định.
Trước đây, những nghiên cứu như của Fry gần như không khả thi vì đòi hỏi giết chết mọi con rắn trong thí nghiệm. Các vấn đề về tính nhân đạo, chi phí và công sức đã ngăn cản nghiên cứu diễn ra. Tuy nhiên, Fry cùng đồng nghiệp sử dụng công nghệ mới. Họ tạo ra mạng thần kinh nhân tạo mô phỏng thần kinh của nhiều loài vật khác nhau, sau đó kiểm tra phản ứng của chúng với các phân tử.