Vì sao Mỹ có nền y tế hiện đại nhưng lại thất bại trong tốc độ xét nghiệm người nghi nhiễm?

Có rất nhiều lý do khiến Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt bộ kit xét nghiệm và tốc độ lấy mẫu các ca nghi nhiễm thấp hơn so với nhiều quốc gia. Trong đó không thể không nhắc đến sự chủ quan của Mỹ và cơ quan phòng dịch CDC.

Tin nhắn hỗn loạn từ chính phủ, các báo cáo khác nhau trên các phương tiện truyền thông đang khiến xã hội Mỹ thực sự hoang mang vì công tác xét nghiệm và dập dịch của nước này. Trong những ngày qua, vấn đề đau đầu nhất với giới chức Mỹ trong công tác chống dịch, đó là thiếu bộ kit xét nghiệm.


Mỹ hiện đang thiếu hụt bộ kit xét nghiệm nCoV trầm trọng.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh và khẳng định, chính phủ đang đang hối thúc các công ty tư nhân sớm bổ sung thêm ít nhất 5 triệu bộ kit xét nghiệm trong thời gian tới, mọi thứ vẫn rất khó khăn tại thời điểm này. Ông Trump còn khuyến cáo thêm rằng, người dân chỉ nên làm xét nghiệm khi cảm thấy cần thiết để tránh thiếu hụt bộ kit.

Trước đó 6/3, các quan chức Nhà Trắng cũng xác nhận tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV2. Trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tăng nhanh trên khắp nước Mỹ và đặc biệt tại các thành phố lớn như Seattle và New York, chính phủ Mỹ dường như đang bị động trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Thảm cảnh khi người dân Mỹ muốn xét nghiệm mà không được cho xét nghiệm

Cách đây vài ngày, Caitlin Sweeney, một phụ nữ 34 tuổi sống ở Brooklyn, New York bị ho khan, đau họng, mệt mỏi và nghẹt mũi nhẹ. Sweeney cũng đang mang thai 22 tuần và rất lo lắng các triệu chứng của cô có thể liên quan đến dịch Covid-19 bởi số ca mắc COVID-19 tại thành phố New York đang tăng lên.

Theo LiveScience, Sweeney quyết định đi khám để kiểm tra xem mình có bị nhiễm hay không. Nhưng khi Sweeney gọi cho bác sỹ, cô mới chính thức cảm thấy thất vọng và có chung tâm trạng buồn bã như nhiều người trên khắp nước Mỹ. Đó là những người muốn kiểm tra xem mình có nguy cơ mắc bệnh nhưng lại không được phép kiểm tra.


Chỉ có các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng và phải đặt nội khí quản mới được làm xét nghiệm.

Chồng của Sweeney, anh Natalie Wolchover đồng thời là một cây viết có tiếng ở tạp chí Quanta Magazine cho biết: "Nhân viên tiếp tân dường như không biết phải làm gì khi được nhắc đến Covid-19. Và người đó chỉ nói với vợ tôi phải đi cấp cứu ngay".

Vậy là họ quyết định đến một phòng khám gần đó để chăm sóc khẩn cấp. Nhân viên tại phòng khám này lại nói rằng, họ không có cách nào để xét nghiệm Covid-19. Họ lại chỉ Sweeney tới một phòng cấp cứu ở gần đó. Tuy nhiên khi cả hai vợ chồng tới đây, các bác sỹ đều cho biết các triệu chứng của cô không đủ điều kiện để thực hiện các xét nghiệm. Cụ thể cô không có đủ chất dịch trong phổi và không bị sốt.

Bác sỹ cũng đưa ra chỉ dẫn của CDC về việc chỉ yêu cầu làm xét nghiệm khi bệnh nhân bị sốt. Nhưng tất nhiên không phải tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 đều sốt, dù đó là một trong những triệu chứng điển hình. Hơn nữa chỉ có các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng và phải đặt nội khí quản mới được làm xét nghiệm.

Cuối cùng Sweeney chỉ được xét nghiệm cúm mùa và cho ra kết quả âm tính. Bác sỹ khám xin lỗi vì không thể xét nghiệm cho cô, đồng thời nói rằng nếu cô không bị sốt thì đứa bé trong bụng cũng không gặp nguy hiểm.

Đó chỉ là một trong số những câu chuyện rõ ràng về cách đối phó yếu kém với đại dịch Covid-19 của nước Mỹ khi số người có thể chứa mầm bệnh rất lớn nhưng lại không được xét nghiệm để phân loại và cách ly kịp thời.

Như đã biết lý do chính dẫn đến điều này chính là không có đủ bộ kít xét nghiệm cho tất cả mọi người. Vậy lý do gì khiến một quốc gia có nền y tế tiên tiến như Mỹ lại đang gặp phải cơn khủng hoảng quá lớn như vậy?

Sự chủ quan của CDC (Mỹ) và cả hệ thống y tế nước Mỹ ngay vào "thời điểm vàng" để chống dịch

Hôm 10/3, Mỹ cho biết chỉ có 78 phòng thí nghiệm y tế tại các tiểu bang của Mỹ đủ năng lực xét nghiệm Covid-19. Điều đó có nghĩa rằng chỉ có khoảng 75 ngàn người đủ điều kiện được xét nghiệm, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,5 triệu xét nghiệm mà Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cam kết. Tuy nhiên con số này chưa thể phản ánh hết.

Các tiểu bang tại Mỹ có năng lực xét nghiệm Covid-19 rất khác nhau. Cụ thể bang California có thể xét nghiệm khoảng 7,4 ngàn người/ngày, Washington là 1 ngàn người và Oregon chỉ có thể kiểm tra 40 trường hợp/ngày. Nhưng đó chỉ là con số dự kiến và không phải lúc nào cũng đạt được. Tổng cộng nước Mỹ chỉ có thể thử nghiệm được khoảng vài ngàn người. Con số này thấp hơn nhiều so với năng lực kiểm tra 10 ngàn người/ngày của Hàn Quốc.

Thực tế vấn đề xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ đã gặp trục trặc ngay từ những ngày đầu. Bộ kit xét nghiệm do CDC tự phát triển không thông qua hướng dẫn của WHO cho ra kết quả dương tính giả và buộc nước này phải mất thời gian để phát triển lại.

Trở lại hồi tháng 1 và tháng 2, khi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc và dần lan ra một số quốc gia trong khu vực, WHO đã đưa ra một bản hướng dẫn phát triển công cụ xét nghiệm người nghi nhiễm cho tất cả các nước. Tuy nhiên khi đó Mỹ đã phớt lờ cảnh báo và chỉ dẫn của WHO.


Vấn đề xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ đã gặp trục trặc ngay từ những ngày đầu.

Thay vào đó, CDC tự tạo ra bộ công cụ chẩn đoán chuyên sâu có thể xác định không chỉ SARS-CoV2 mà còn cả virus gây ra SARS. Nhưng không may khi bộ kit xét nghiệm của CDC được phát hiện cho ra kết quả dương tính giả và không đạt chất lượng theo quy định của WHO.

Khi CDC bắt tay phát triển bộ công cụ xét nghiệm đúng theo tiêu chuẩn của WHO thì mọi thứ đã quá muộn và khoảng thời gian phòng dịch quý giá đã trôi đi.

Tiến sĩ Carl Fichtenbaum, giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Y khoa thuộc Đại học Cincinnati cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã phải tăng cường xét nghiệm rộng rãi từ cách đây hơn 1 tháng trước. Điều đó sẽ giúp chúng ta xác định những người nhiễm bệnh sớm hơn và áp dụng một số giải pháp để ngăn dịch bệnh lây lan".

Thậm chí khi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ ở nhiều bang tại Mỹ, các học viện, tổ chức tư nhân hay bệnh viện lại đang tranh giành nhau bộ kit xét nghiệm. Nhưng vẫn còn đó niềm hy vọng khi phòng khám Cleveland Clinic cho biết, họ đã phát triển bộ kit xét nghiệm có thể mang lại kết quả chỉ trong vài giờ, trái ngược với bộ kit xét nghiệm của CDC có thể phải mất nhiều ngày.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 hoạt động như thế nào?

Xét nghiệm Covid-19 có hai dạng chính: Đó là lấy dịch từ đường hô hấp như mũi, họng hoặc lấy máu. Các phương pháp xét nghiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào cách các nhà khoa học phát triển bộ kit xét nghiệm.

Ở Mỹ, công cụ xét nghiệm của CDC dựa vào thử nghiệm phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase (PCR). Phản ứng này giúp phát hiện vật liệu di truyền trong ADN của virus. Tuy nhiên virus không phải lúc nào cũng dễ dàng bị phát hiện nếu bộ kit không đủ nhạy.

Xét nghiệm PCR hoặc giải trình tự gene nhìn chung khá tiên tiến và được thực hiện tại hầu hết bệnh viện. Các nhà nghiên cứu chỉ cần trích xuất axit nucleic trong chuỗi ADN để tìm ra bộ gen của virus. Họ sau đó khuếch đại các bộ gen thông qua một quá trình đặc biệt gọi là phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase phiên mã ngược. Bằng cách đó, các nhà khoa học có thể so sánh mẫu bệnh phẩm với SARS-CoV2, chủng virus mới gây ra đại dịch Covid-19.


Công cụ xét nghiệm của CDC dựa vào thử nghiệm phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase (PCR).

SARS-CoV-2 có tổng số gần 30.000 nucleotide và tạo nên ADN của nó. Các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm ít nhất hai gene của virus và nếu họ tìm thấy thì kết quả của xét nghiệm đó được coi là dương tính. Nếu họ chỉ tìm thấy một, kết luận sẽ tạm để đấy và chưa được đưa ra. CDC lưu ý, có nhiều trường hợp không thể phát hiện thấy virus vì bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn ủ bệnh.

Tiến sĩ Fichtenbaum  cho biết thêm, trong một số trường hợp chúng ta có thể định lượng số bản sao của gen virus. Nó có thể là 1, 10 hoặc 10 triệu và nếu con số càng cao, khả năng lây nhiễm càng cao.

Nhưng tại sao Mỹ lại không có đủ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2?

Tính đến hôm 12/3 vừa qua, CDC đã kiểm tra cho ít nhất 3.791 trường hợp ở Atlanta. Trong khi đó các cơ sở y tế công cộng tại Mỹ đã thử nghiệm thêm ít nhất 7.288 trường hợp. Đáng chú ý một số dữ liệu sau ngày 6/3 vẫn đang chờ kết quả.

Tiến sĩ Fichtenbaum cho biết, số ca nhiễm hiện tại chưa đại diện cho tất cả số ca nhiễm chính thức. Nếu số ca được xét nghiệm nhiều hơn, số ca nhiễm chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận 3.817 ca nhiễm nhưng con số thực nhiễm có thể cao hơn thế.

Fichtenbaum nhấn mạnh, phản ứng chậm trễ của chính quyền Trump và CDC khiến nước Mỹ chậm hơn 1 tháng trong cuộc đua xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh.


Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng không thể thực hiện tất cả các xét nghiệm cho những người nghi nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Karen C. Carroll, giám đốc bộ phận vi sinh tại Đại học Y khoa Johns Hopkins tin rằng, việc thiếu hụt bộ kit xét nghiệm là điều không mong muốn. Đặc biệt khi các nhà sản xuất còn đang thiếu nguồn cung vật liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế.

Trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ mới đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng không thể thực hiện tất cả các xét nghiệm cho những người nghi nhiễm Covid-19.

Ông nhấn mạnh: "Ý tưởng về việc tất cả mọi người đều có thể được xét nghiệm dễ dàng ở các quốc gia khác đang làm sẽ không được áp dụng tại Mỹ. Chúng ta có nên làm như các quốc gia khác không? Không chúng ta không nên".

CDC hiện đang hợp tác song song cùng các phòng thí nghiệm tư nhân để tăng cường số ca xét nghiệm. Nhưng mối quan tâm lớn hơn cả là sẽ có bao nhiêu xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày. Các chuyên gia ước tính, hầu hết các phòng thí nghiệm tại Mỹ chỉ có thể thực hiện được khoảng 100 xét nghiệm mỗi ngày. Và đây rõ ràng là một con số quá thấp và không giúp được nhiều cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ai mới thực sự được "quyền" xét nghiệm tại Mỹ?

Ngay cả khi bạn được bác sỹ chỉ định xét nghiệm điều đó không có nghĩa bạn sẽ thực sự được lấy mẫu xét nghiệm tại Mỹ. Theo hướng dẫn của CDC, có ba nhóm bệnh nhân được phép lấy mẫu xét nghiệm và nó còn tùy thuộc vào quyết định của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân dẫn tới hạn chế này như đã nói ở trên là việc thiếu nguồn cung bộ kit xét nghiệm.

Ba nhóm bệnh nhân gồm:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng nhiễm Covid-19.
  • Những người có triệu chứng và là người già trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh mãn tính có thể dẫn tới biến chứng xấu.
  • Bất kể người nào, kể cả nhân viên y tế tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân nghi nhiễm hoặc là người có lịch sử di chuyển từ vùng dịch trong vòng 14 ngày qua kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Trong khi đó những người không thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc đã đi đu lịch đến quốc gia có dịch nhưng không bị phơi nhiễm sẽ không phải xét nghiệm.

Bác sĩ Fichtenbaum cho biết: "Một khi chúng ta nới lỏng các tiêu chuẩn thử nghiệm, chúng ta sẽ có thể xét nghiệm cho bất cứ ai phù hợp và nó không quá phức tạp đâu. Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể giảm bớt sự lây lan".


Chỉ có 3 nhóm bệnh nhân được phép lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Hiện tại ở bang Ohio, nơi bác sỹ Fichtenbaum đang làm việc, hầu hết các bác sỹ phải điền vào một phiếu thông tin dài 4 trang, đồng thời theo dõi liên tục các biểu hiện của bệnh nhân trước khi cho họ xét nghiệm. Điều này không chỉ tốn thời gian mà còn dẫn tới việc bệnh nhân chẳng nhận được kết quả xét nghiệm nào và còn có nguy cơ bị lây nhiễm ngược rất cao.

Nhằm đẩy nhanh tiến trình xét nghiệm, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng Hai tuyên bố sẽ cho cho phép các hệ thống bệnh viện tự phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng họ. Động thái này giúp các tổ chức tư nhân chủ động hơn trong công tác phòng dịch mà không cần sự đồng ý của FDA. Các phòng thí nghiệm sẽ bắt đầu nghiên cứu bộ kit xét nghiệm và sau đó gửi cho FDA để kiểm chứng.

Mỹ đang đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất các bộ kit xét nghiệm

Nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực phát triển các bộ kit xét nghiệm. Trung tâm Y tế Đại học Washington mới đây đã phát triển thành công bộ kit xét nghiệm Covid-19 dựa trên các khuyến nghị của WHO. Đây có thể coi là cách sửa chữa sai lầm cho CDC vì đã tự tin một cách thái quá vào năng lực của mình.

Hệ thống bệnh viện ở Washington đủ khả năng xét nghiệm khoảng 1 ngàn trường hộp mỗi ngày và đang nỗ lực nâng số ca có thể xét nghiệm lên 4 hoặc 5 ngàn người. Trong một tuyên bố mới đây, trung tâm y tế Cleveland Clinic cho biết, bộ kit xét nghiệm của trung tâm này có thể trả về kết quả trong vòng khoảng 8 giờ và sẽ sớm được phân phối vào cuối tháng 3.

Ngoài ra theo bác sỹ Fichtenbaum, ông hy vọng FDA sẽ sớm phê duyệt phương pháp xét nghiệm mới cho phép thực hiện cùng lúc 96 xét nghiệm thay vì chỉ một mẫu xét nghiệm như hiện nay.

Tiến sĩ Heba Mostafa, trợ lý giáo sư tại Đại học Johns Hopkins bày tỏ hy vọng số lượng bộ kit sẽ tăng lên và đáp ứng nhu cầu của người dân Mỹ trong 4-8 tuần tới.

Cập nhật: 18/03/2020 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video