Vì sao không nên kiểm tra IQ bằng xét nghiệm gene?

  •  
  • 617

Các nhà khoa học đã chứng minh mối liên hệ giữa hàng trăm gene khác nhau với trí thông minh con người. Nhưng vì sao không nên kiểm tra chỉ số IQ bằng các xét nghiệm gene.

Theo trang Technology Review, trên thực tế hiện nay đã có những công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm DNA để dự đoán mức độ thông minh cũng như khả năng thành đạt trong học vấn của trẻ với giá chỉ khoảng từ 50 USD/lần.

Nhà di truyền học hành vi người Mỹ Robert Plomin tại Đại học King (Anh), cũng là nơi ông chủ trì một nghiên cứu dài hạn với 13.000 cặp sinh đôi của Anh, cho rằng với những thành tựu nghiên cứu bản đồ gene của con người, hiện tại người ta đã có thể "đọc" được DNA của một đứa trẻ và biết được nó sẽ thông minh như thế nào.

Các dự đoán trí thông minh căn cứ vào DNA có độ chính xác không cao.
Các dự đoán trí thông minh căn cứ vào DNA có độ chính xác không cao. (Ảnh: TECHNOLOGYREVIEW).

Tuy nhiên cho tới nay các dự đoán trí thông minh căn cứ vào DNA có độ chính xác không cao. Những biến đổi gene có liên quan tới điểm kiểm nghiệm chỉ giải thích được sự khác biệt chưa đến 10% về trí thông minh giữa những người có gốc gác châu Âu được nghiên cứu.

Cùng với đó thì tạp chí MIT Technology Review cho biết nhiều nhà giáo dục đã bày tỏ quan điểm lo ngại trước các tiến bộ mới trong nghiên cứu gene. Theo họ không nên sử dụng các xét nghiệm DNA để đánh giá tiềm năng học vấn ở trẻ.

Bà Catherine Bliss, nhà xã hội học thuộc Đại học California, San Francisco, đồng thời là tác giả đã viết sách chất vấn về việc sử dụng di truyền học trong khoa học xã hội nói: "Ý nghĩ về việc chúng ta sẽ có được thông tin này ở bất cứ mọi nơi, ai cũng sẽ biết bạn là ai, bạn sẽ trở nên như thế nào, với tôi thực sự đáng sợ".

Bà Bliss cũng cho rằng, nếu dựa theo gene để chẩn đoán IQ như vậy, chẳng khác nào người ta đang biến thế giới thành nơi mỗi người đã được "an bài" sẵn theo những khả năng bẩm sinh của họ, và cũng là một xu hướng cổ súy cho thuyết ưu sinh (eugenics), thuyết cho rằng có thể nâng cao chất lượng loài người bằng cách chỉ cho phép một nhóm người nào đó được sinh con.

Theo các nhà tâm lý học, các bài trắc nghiệm IQ đo lường một yếu tố gọi là "g", nhân tố tổng hợp của trí tuệ. Những người có năng lực đặc biệt hơn về toán, tư duy không gian, khả năng ngôn ngữ hay các kỹ năng khác có thể có yếu tố "g" cao hơn.

Nhưng đó không phải là tất cả. Nhân tố g còn có quan hệ qua lại rất chặt với thu nhập, hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ.

Nhiều nhà khoa học cũng trao đổi với tạp chí MIT Technology Review rằng họ không tin các bài kiểm tra IQ có thể chỉ ra chính xác về tiềm năng trí tuệ của một con người.

Bà Danielle Posthuma, từng chủ trì một nghiên cứu lớn về IQ năm 2017, nói: "Chúng ta sẽ không bao giờ có thể kiểm tra được DNA của một ai đó rồi nói là IQ của quý vị là 120".

Cập nhật: 05/04/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 617