Vì sao Nam Bộ giông lốc dù xa bão Talim?

Mắt bão Talim như máy hút khiến gió mùa Tây Nam mạnh lên gây giông lốc ở các tỉnh phía Nam dù nơi này xa tâm bão, theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan.

Chiều 17/7, khi Talim cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 400km - vị trí dự kiến bão đổ bộ, các tỉnh thành phía Nam nằm xa tâm bão hơn nghìn km xảy ra mưa lớn. Giông gió đã làm nhiều cây ở TP HCM, Bình Dương, Kiên Giang gãy đổ, uy hiếp người đi đường. Tại Đồng Nai, gió giật bay mái tôn làm hư trạm biến áp ở khu công nghiệp, 110 doanh nghiệp tại đây mất điện. Mưa giông cũng khiến hàng chục nhà ở Hậu Giang, Cà Mau... tốc mái, tàu cá bị chìm.


Gió lớn làm cây xà cừ cao hơn 10m đè trúng ôtô 15 chỗ đang chạy trên quốc lộ N1 qua TP Hà Tiên (Kiên Giang), chiều 17/7. (Ảnh: Phương Vũ)

Lý giải hiện tượng trên, bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), cho biết thường các cơn bão vào Việt Nam trong tháng 6-10 theo hướng từ bắc vào trung. Thời gian này, miền Nam đang mùa mưa, gió Tây Nam hoạt động mạnh. Do đó khi có bão cùng với gió mùa gây mưa nhiều, dai dẳng và giông lốc, có lúc gió giật cấp 7-8, không kém gì trong tâm bão.

"Mắt bão như cái máy hút khiến gió mùa Tây Nam mạnh lên", bà Lan nói và cho biết giông lốc như chiều qua ở Nam Bộ một phần do đuôi bão Talim quét qua.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo độc lập, giải thích thêm gió mùa Tây Nam đã hoạt động mạnh ở khu vực từ lâu. Khi bão Talim hình thành đã kích thích gió Tây Nam mạnh hơn, mang theo hơi ẩm từ vịnh Thái Lan qua các tỉnh thành Nam Bộ để "cung cấp năng lượng cho bão". Đây là nguyên nhân chính khiến khu vực xảy ra giông, sét, gió giật dù cách xa tâm bão.


Đuôi bão Talim quét và hút gió mùa Tây Nam từ vịnh Thái Lan, gây mưa giông ở các tỉnh phía Nam. (Ảnh: Ventusky)

Tại sao miền Bắc và Trung gần tâm bão nhưng ít ảnh hưởng, ông Lê Đình Quyết (Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), lý giải hai khu vực này địa hình cao, nhiều núi đã chắn phần lớn gió mùa Tây Nam từ phía nam thổi qua. Cho nên khi bão Talim chưa đổ bộ vào đất liền, sức gió ở hai khu vực này bị phân tán, chưa đủ điều kiện gây giông lốc lớn.

Bão Talim hình thành ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, sau khi vào Biển Đông chủ yếu theo hướng tây tây bắc, nhanh chóng tăng cấp, đạt cực đại 133 km/h (cấp 12) vào ngày 17/7. Lúc 12h ngày 18/7, bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) 50 km, sức gió mạnh nhất 88 km/h, cấp 9, nhiều khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong vài giờ nữa.

Cập nhật: 18/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video