Vì sao người cổ đại thường có hàm răng thẳng, răng khôn mọc chuẩn chỉnh?

Ngày nay, theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 25% 50% người cần can thiệp chỉnh nha. Trong khi đó, những hóa thạch được tìm thấy tiết lộ người cổ đại lại thường có hàm răng thẳng đều, răng khôn mọc chuẩn.

Theo hồ sơ ghi chép về các hóa thạch, người cổ đại thường có hàm răng thẳng tắp và răng khôn mọc hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, nhu cầu về niềng răng và nhổ răng khôn mới chỉ phát triển trong thời gian gần đây. Vậy, chuyện gì đã xảy ra?

Dù gần như không thể chắc chắn tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng các nhà khoa học đã đưa ra một giả thuyết.

Cụ thể, vài triệu năm trước, tổ tiên của loài người hiện đại có lối sống tự cung tự cấp. Do đó, răng và hàm của họ phải hoạt động mạnh thì thức ăn mới có thể tiêu hóa được. Quả nhiên, trên các bề mặt răng của người cổ đại cho thấy sự mài mòn và phẳng ở trên diện rộng. Hơn nữa, họ cũng có khuôn hàm và răng lớn hơn so với người hiện đại. Đến khi tổ tiên của loài người hiện đại bắt đầu sử dụng những công cụ và lửa để nấu nướng, chuẩn bị thức ăn, nhờ đó mà hàm răng của họ nghiền xé thức ăn tốt hơn.


Hàm răng của người cổ đại thường thẳng đều và răng khôn mọc bình thường. (Ảnh: Ancientorigins).

Nhiều năm sau, khoảng 12.000 năm trước, con người đã bắt đầu biết trồng trọt và chăn nuôi. Trải qua mấy nghìn năm, con người ngày càng trở nên quen thuộc với việc xử lý và tinh chế thức ăn.

Đặc biệt, công nghệ xay xát đã giúp loại bỏ những phần cứng hơn của ngũ cốc, chẳng hạn như mầm và cám từ gạo và lúa mì. Sau đó, khi đến cuộc Cách mạng công nghiệp, những cải tiến công nghệ đã thúc đẩy các quá trình này một cách đáng kể. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, miệng của con người đã được giải phóng rất nhiều khỏi những nhiệm vụ nghiền thức ăn. Điều thú vị là cũng chính khoảng thời gian này, những hàm răng khấp khểnh dường như dần trở nên phổ biến.

Đây là nguyên nhân khiến hàm răng của con người bị khấp khểnh?


Tổ tiên của loài người có khuôn hàm lớn nên răng khôn của họ không bị mọc lệch hay mọc ngầm. (Ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu các hóa thạch của loài người trong suốt hàng triệu năm tiến hóa, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng, kích thước răng, hàm ở người và tổ tiên của chúng ta bị giảm dần theo thời gian.

Nhiều người cho rằng, trong phần lớn lịch sử của loài người, những thay đổi về chế độ ăn uống, chẳng hạn như sự xuất hiện của thịt và nấu nướng, dẫn tới những thay đổi về kích thước răng và hàm về cơ bản vẫn luôn theo kịp tiến độ của nhau.

Tuy nhiên, với những thay đổi lớn gần đây trong tập quán nông nghiệp và ẩm thực, mối quan hệ đó đã thay đổi. Theo lý thuyết, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, kích thước xương hàm của một số quần thể người bị giảm, trong khi răng vẫn giữ nguyên kích thước. Điều này cũng có nghĩa là răng của con người phải vật lộn ở trong không gian hạn chế. Cụ thể, khi các răng mọc lên, chúng có thể mọc chen vào các răng khác, thậm chí là bị đẩy vào những vị trí sai lệch.

Sau đó, răng khôn, chiếc răng cuối cùng xuất hiện, dường như chỉ làm mọi việc trở nên thêm rắc rối. Trong nhiều trường hợp, răng khôn sẽ có ít hoặc không có không gian để mọc lên. Điều này khiến cho những chiếc răng khôn bị ảnh hưởng, gây khó chịu và có thể bị nhiễm trùng nếu như không được nhổ bỏ.


Nhiều người hiện đại phải nhờ can thiệp chỉnh nha để có hàm răng đẹp. (Ảnh minh họa).

Những hàm răng càng lớn dường như có liên quan tới nhu cầu nhai nhiều hơn. Vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng khi chế độ ăn uống của con người đòi hỏi ít nhai hơn thì hàm của họ cũng trở nên nhỏ lại. Điều này dẫn tới tình trạng răng mọc chen chúc, khiến hàm răng mọc khấp khểnh và răng khôn bị mọc ngầm.

Trên thực tế, một số thử nghiệm sơ bộ cũng ủng hộ cho giả thuyết này. Trong một nghiên cứu vào năm 1983, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi 42 con khỉ sóc bằng hai chế đồ ăn thức ăn cứng tự nhiên hoặc đồ ăn mềm nhân tạo. Kết quả, những con khỉ được cho ăn thức ăn mềm thì có răng mọc chen chúc hơn, thậm chí răng còn bị xô lệch khỏi vị trí và cung răng hẹp hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2004 cũng thực hiện quan sát điều tương tự khi những con Hyrax (hay còn gọi là thỏ đá) được ăn thực phẩm nấu chín. Chúng có vùng mặt liên quan tới việc nhai phát triển ít hơn khoảng 10% so với những con thỏ ăn thực phẩm sống và khô.

Tóm lại, vấn đề răng mọc lệch nói chung dường như chủ yếu là do môi trường hoặc lối sống hơn là do gene, dù những yếu tố về di truyền có thể xuất hiện trong một số trường hợp. Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 30% đến 60% người hiện đại ngày nay gặp phải tình trạng răng khấp khểnh ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, xu hướng này có sự khác nhau giữa những quần thể người trên toàn cầu. Bởi thực tế có một số người không bao giờ mọc răng khôn. Một số khác cũng không gặp phải tình trạng răng mọc chen chúc hoặc khấp khểnh, răng khôn của họ vẫn mọc mà không gặp phải trở ngại nào.

Cập nhật: 30/05/2023 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video