Vì sao người dân không được tự ý dùng bia giải rượu?

Dùng bia (có ethanol) để giải ngộ độc rượu (chứa methanol) là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, người dân không được tự ý áp dụng mà phải do bác sĩ quyết định, thực hiện.

Về phương pháp điều trị này, TS.BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý nếu nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol thì tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn.

Vì vậy, việc xác định người bệnh bị ngộ độc ethanol hay methanol cần phải được thực hiện ở các cơ sở y tế. Bởi ngộ độc hai chất này có nhiều điểm khác biệt trong cách nhận biết và xử trí.

Ngộ độc rượu ethanol và methanol khác nhau thế nào?

Trong Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc năm 2015, Bộ Y tế nêu rõ ngộ độc ethanol và methanol là hai dạng ngộ độc có cách chẩn đoán và điều trị không giống nhau.

Ethanol là chất có trong bia, rượu thực phẩm thường bán trên thị trường. Nếu ngộ độc nhẹ, ethanol sẽ được đào thải nhanh qua đường hô hấp. Nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có biểu vật vã kích thích, nôn nhiều, thậm chí co giật... phải vào viện cấp cứu.


Bệnh nhân được điều trị ngộ độc methanol. (Ảnh: Ngọc Vũ).

Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi,… Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, phần lớn chuyển hóa qua gan nhưng chậm.

Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành axit formic, thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.

Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol, việc chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn. Bệnh nhân và bác sĩ có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

Các biện pháp điều trị cơ bản như: Nếu bệnh nhân hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm rãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đặt canuyn miệng, hút đờm rãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ).

Dấu hiệu ngộ độc ethanol và methanol

Ngộ độc ethanol: Ngộ độc cấp gây ra nhiều rối loạn tâm thần và thực thể, thường do uống quá nhiều, liều gây độc thay đổi tùy thuộc mỗi cơ thể, rất cao ở đối tượng nghiện rượu.

Trên lâm sàng, ngộ độc ethanol có triệu chứng qua các giai đoạn và tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau:

  • Giai đoạn kích thích: Sảng khoái, hưng phấn thần kinh (vui vẻ, nói nhiều), giảm khả năng tự kiềm chế (mất điều hòa, kích thích, hung hãn). Vận động phối hợp bị rối loạn, đi đứng loạng choạng.
  • Giai đoạn ức chế: Tri giác giảm dần, giảm khả năng tập trung, lú lẫn. Phản xạ gân xương, trương lực cơ giảm, giãn mạch ngoại vi.
  • Giai đoạn hôn mê: Hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sặc, giãn mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Bệnh nhân hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, co giật, tiêu cơ vân, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa.

Ngộ độc methanol: Các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không (nếu có triệu chứng xuất hiện chậm hơn).

Biểu hiện lâm sàng có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau. Triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) dễ bị bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

Biểu hiện thường gặp là:

  • Thần kinh: methanol là chất ức chế thần kinh trung ương, tương tự ngộ độc ethanol nhưng ở mức độ nhẹ hơn, gây an thần và vô cảm. Bệnh nhân khi đến viện thường còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.
  • Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, thu hẹp thị trường, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị,...
  • Các di chứng thần kinh: rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng parkinson, thiết hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác, giả liệt vận nhãn.
  • Tim mạch: giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim.
  • Hô hấp: thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.
  • Tiêu hóa: viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
  • Thận: suy thận cấp, biểu hiện tiểu ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.

Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi.

Điều trị ngộ độc ethanol và methanol có nhiều điểm khác biệt


Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không.

Điều trị ngộ độc ethanol theo nguyên tắc là ổn định bệnh nhân, điều trị các triệu chứng, biến chứng. Ví dụ mức độ nhẹ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi yên tĩnh, truyền dịch, truyền glucose và vitamin nhóm B. Với trường hợp nặng, hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm rãi, tụt luỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đặt canuyn miệng, hút đờm rãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ). Người bệnh tụt huyết áp cần truyền dịch, thuốc vận mạch nếu cần,...

Tẩy độc, tăng thải trừ chất độc cho bệnh nhân ngộ độc ethanol bằng cách đặt sonde dạ dày và hút dịch nếu bệnh nhân đến trong vòng 1 giờ và bệnh nhân nôn ít.

Điều trị ngộ độc methanol có phác đồ phức tạp hơn. Để điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu methanol phải áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để tẩy độc và tăng thải trừ chất độc, trong đó có đặt sonde dạ dày, lọc máu… Trong đó, bác sĩ có thể dùng ethanol để ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, rẻ tiền nhưng có thể có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải.

Bộ Y tế hướng dẫn, nếu dùng ethanol đường uống (hoặc truyền vào dạ dày) để điều trị cho bệnh nhân cần lựa chọn loại rượu uống đảm bảo an toàn và có ghi rõ % độ cồn và pha theo tỷ lệ hướng dẫn thành rượu có nồng độ cồn 20%.

Liều dùng được chỉ định trên bệnh nhân, nếu uống có thể pha thêm đường hoặc nửa quả, hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày và tiếp tục dùng liều duy trì với liều lượng cụ thể cho người không nghiện rượu, người nghiện rượu theo hướng dẫn cụ thể.

Trong giai đoạn lọc máu, việc sử dụng bia, rượu (có ethanol) với liều lượng như thế nào cũng được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Việc dùng ethanol để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol sẽ ngừng khi khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu <10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa và biểu hiện lâm sàng được cải thiện.

Cập nhật: 14/01/2019 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video