Nhện bám vào sợi tơ đàn hồi, lợi dụng gió để vượt qua khoảng cách đi kiếm ăn. Và đó là lý do khiến nhện đực bao giờ cũng nhỏ hơn nhện cái để đảm nhận vai trò của một “thợ bắc cầu”, Tạp chí BMC Evolutionary Biology cho hay.
Nhà nữ sinh vật học Guadalupe Corcobad, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu tập tính của loài nhện trong ống thổi gió phòng thí nghiệm. Bà cho biết: “Trong các loài mà bắc cầu là cách đi lại chủ yếu những con đực càng nhỏ là những “thợ bắc cầu” càng giỏi và nhờ vậy càng có cơ hội được ân ái nhiều. Chúng luôn luôn thắng trong cuộc thi đua để được các nàng kén chọn. Thu nhỏ kích thước lại, đó chính là áp lực của sự chọn lọc tự nhiên”.
Tập tính "bắc cầu" của loài nhện khiến nhệ đực bao giờ cũng "nhỏ con" hơn nhện cái.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 204 chàng nhện đực thuộc 13 loài nhện khác nhau. Họ thấy rằng các nàng nhện cái không hề đặt yêu cầu các chàng phải nhỏ con vì rất hiểu các chàng lực lưỡng “ưa nhìn” hơn và có lợi thế trong việc sinh ra được những đứa con khỏe mạnh. Thế nhưng các chàng lại vụng về, di chuyển khó khăn, không đến được nơi các nàng hò hẹn. Đời này qua đời khác, các chàng nhện nhỏ bé luôn chiếm ưu thế, làm thành một đặc điểm “vợ to chồng bé” ở loại nhện.
Corcobado nhấn mạnh là, “giả thuyết bắc cầu” để giải thích sự khác nhau về kích cỡ giữa giống đực và giống cái hoàn toàn phụ hợp với các giả thuyết khác. Nhưng nghiên cứu trước đây cho rằng sự mắn đẻ của con cái là động lực chính để tạo ra sự khác biệt giữa 2 giống. Tuy nhiên chỉ riêng giả thuyết này chưa giải thích được vì sao ở loài này, con đực luôn to hơn con cái, ở loài kia, con đực lại nhỏ hơn.
Mãi đến thời Darwin, người ta mới giải thích được vì sao những con vật giống đực thường to hơn, nhưng giả thuyết “bắc cầu” lại tìm ra lý do ngược lại ở loài nhện, vì sao chàng lại thường nhỏ con quá đáng bên cạnh các nàng.