Vì sao nhiều người bị dị ứng?

Nhiều người bị dị ứng “hành hạ” ngày này sang tháng khác, đi điều trị đủ nơi mà vẫn đành phải chấp nhận “sống chung” với dị ứng.

Nhiều loại dị ứng

Lông thú (chó, mèo...) là một trong những nguyên nhân gây dị ứng (Ảnh: simply-dog)
Bác sĩ Lư Hoàng Vũ - phòng khám dị ứng, Trung tâm Y khoa Medic, TP.HCM - cho biết hiện nay từ “dị ứng” đã trở nên quen thuộc với mọi người. Ai bị nổi mề đay, hắt hơi, chảy mũi hay nổi sẩn ngứa ngoài da... đều nghĩ mình bị dị ứng và cứ thế tự ý mua thuốc uống.

Tuy bệnh có giảm, nhưng sau đó bị lại và bệnh cứ kéo dài dai dẳng cả tháng, thậm chí đến hàng năm. Có bệnh nhân bị cùng một lúc bốn triệu chứng về bệnh dị ứng (hắt hơi, chảy mũi, đỏ mắt, ngứa mắt, sẩn ngứa ngoài da, ho, khò khè khó thở).

Theo BS Hoàng Vũ, dị ứng là một phản ứng quá mức với một chất mà cơ thể coi là một chất lạ - người ta thường gọi là “dị nguyên” - như acariens, phấn hoa, lông súc vật, thức ăn... Những dị nguyên này được ví như kẻ thù của hệ thống miễn dịch. Dị ứng xảy ra bởi sự tiếp xúc với dị nguyên, qua đường hô hấp, vào mắt, qua da, qua niêm mạc của ống tiêu hóa.

Những bệnh thường gặp do dị ứng cần phải khám dị ứng để tìm nguyên nhân là bệnh viêm mũi dị ứng; viêm kết mạc dị ứng; hen phế quản; viêm da cơ địa; viêm da tiếp xúc; mề đay; phù quinck (trên da nổi những mảng nề phồng lên một cách mạnh mẽ nhanh chóng, kèm theo khó thở, mệt lả, tụt huyết áp) - đây là một dị ứng nặng cần phải điều trị khẩn cấp ở bệnh viện ngay.

Phần lớn do con mạt nhà

Chỉ có 10% chứng dị ứng tự biến mất như một số trường hợp dị ứng thức ăn, dị ứng với sữa bò. Ngược lại, nếu dị ứng không điều trị sẽ có nhiều khả năng biến chứng nặng thêm như hen phế quản.

Rất nhiều dị nguyên có mặt trong viêm mũi dị ứng. Nếu không chăm sóc điều trị sẽ tiến triển nặng thêm.

Có 40% trường hợp viêm mũi dị ứng chuyển qua chứng hen phế quản. Cứ hai người lớn bị hen phế quản thì có một người do dị ứng; 80% trẻ em bị hen phế quản là do dị ứng.

BS Hoàng Vũ cho biết dị nguyên gây ra dị ứng có nhiều loại khác nhau, bao gồm acariens (con mạt nhà) với năm loại mạt khác nhau. Động vật (lông thú: mèo, chó, chuột; loài lông vũ; gián); nấm mốc (nhiều loại); thực phẩm (tôm, cua, cá, thịt heo, thịt gà, con hàu, trứng...). Tuy nhiên, phần lớn trường hợp bị dị ứng là do con mạt nhà.

Mạt nhà acariens sống chủ yếu trong bụi nhà và những nơi như kho lương thực, nhà bếp. Đặc biệt chúng thường sống ở giường ngủ, trong chăn mền, gối, màn che, ghế, nệm thảm và những đồ chơi trẻ em có lông. Một chiếc nệm có thể chứa đến 2 triệu con acariens.

Mạt nhà chủ yếu gây dị ứng ở mắt (ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, châm chích trong mắt...); mũi (ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi hàng loạt...); hen phế quản (khó thở khi thở ra, ho, rối loạn thở khi ngủ hoặc khi gắng sức, khò khè, thở rít...); chàm (eczema), ban đỏ, mụn nước, mẩn ngứa... ở má, nếp gấp, cùi chỏ, khuỷu tay...; mề đay. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa dị ứng khám bệnh để phát hiện dị nguyên liên quan.

Để phòng bệnh do acariens cần tránh màn che, đồ chơi có lông, thảm, vải trải giường...; giặt thường xuyên đồ ngủ trong phòng và phơi nắng một lần/tuần; phòng ngủ thoáng khí, có mặt trời; bọc nhựa nệm, gối; hút bụi kỹ khắp nơi kể cả nệm, ghế salon 1 lần/tuần...

BS Hoàng Vũ cho biết hiện nay tại Trung tâm Y khoa Medic có những xét nghiệm có thể chẩn đoán được nguyên nhân (dị nguyên) gây ra dị ứng, điều trị, hướng dẫn cũng như biện pháp phòng ngừa.

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video