Vì sao nhiều thành phố lớn ở Mỹ đang có dấu hiệu chìm xuống?

NASA chỉ ra nguyên nhân mới khiến nhiều thành phố lớn ở Mỹ đang chìm xuống

Những hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy không chỉ mực nước biển dâng cao mà đất, nơi các thành phố lớn được xây dựng trên đó thực sự đang chìm xuống.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), mực nước biển dâng cao đang đe dọa Bờ Đông của nước Mỹ, nhưng đó không phải là điều duy nhất đáng lo ngại.


Các nhà khoa học phát hiện cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn như New York, Baltimore và Norfolk, Virginia, được xây dựng trên vùng đất bị chìm trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2020. (Ảnh: NASA).

Những hình ảnh được NASA chia sẻ hôm 21/2 cho thấy khu vực bờ biển, gồm cả vùng đất mà các thành phố lớn như New York và Baltimore được xây dựng bên trên, đang thực sự chìm xuống.

Qua nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Đổi mới và Quan sát Trái đất thuộc Viện Công nghệ Virginia (Virginia Tech) được NASA tài trợ nhận thấy vấn đề địa lý đang “xảy ra đủ nhanh để đe dọa cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp và vùng đất ngập nước, nơi hàng chục triệu người dọc bờ biển phụ thuộc”.

Bằng việc xem xét dữ liệu vệ tinh và cảm biến GPS để theo dõi chuyển động của bờ biển, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn như New York, Baltimore và Norfolk, Virginia, được xây dựng trên vùng đất bị chìm trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2020.

Đất ở đây trung bình bị sụt lún, hoặc chìm xuống từ 1 - 2 mm một năm, nhưng đất ở một số hạt thuộc các bang như Delaware, Maryland, Nam Carolina và Georgia chìm nhanh gấp 2 - 3 lần, còn đất ở vùng đầm lầy chìm xuống hơn 3 mm mỗi năm. Rừng cũng bị dịch chuyển do xâm nhập mặn và sụt lún đất.

Theo NASA, động vật hoang dã không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng. Dọc theo bờ biển, ít nhất 897.000 cấu trúc xây dựng, bao gồm đường cao tốc và sân bay nằm trên vùng đất đang bị sụt lún.

Những phát hiện nêu trên của NASA đã nối tiếp một nghiên cứu khác từ phòng thí nghiệm Virginia Tech, đã được công bố trên tạp chí khoa học PNAS Nexus.

Các bản đồ được NASA chia sẻ được tạo bằng cách sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cho thấy khu vực Trung Đại Tây Dương đang chìm xuống nhiều hơn. Nguyên nhân là do lớp băng Laurentide bắt đầu tan chảy cách đây 12.000 năm, khiến khu vực này chìm xuống và hiện tượng chìm xuống vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.


Thành phố Charleston thuộc bang Nam Carolina đang phải hứng chịu tình trạng sụt lún tồi tệ nhất, mỗi năm chìm khoảng 4 mm. Ảnh: NASA

Một trong những thành phố chìm nhanh nhất là Charleston thuộc bang Nam Carolina, nơi khu vực trung tâm chỉ cao hơn mực nước biển 10 feet (3,048 m) và đang chứng kiến mức độ sụt lún khoảng 4 mm mỗi năm.

Theo NASA, khoảng 800.000 người sống trong thành phố này và một phần nguyên nhân dẫn tới việc thành phố đang chìm dần là do các hoạt động của con người như khai thác nước ngầm.

Để ngăn chặn lũ lụt do thủy triều, thành phố Charleston đang xem xét xây dựng đê biển dài 8 dặm (12,87km) nhằm bảo vệ thành phố khỏi tình trạng nước dâng do bão.

Nhà địa vật lý Leonard Ohenhen tại Virginia Tech cho rằng vấn đề sụt lún là "nguy hiểm" và không được quan tâm như vấn đề nước biển dâng cao. Nhưng đây vẫn là một vấn đề lớn và người dân sống dọc bờ biển có thể phải chịu nhiều thiệt hại hơn về nhà cửa, trang trại và do bị nước mặn xâm nhập.

Theo Manoochehr Shirzaei, đồng tác giả của cả hai nghiên cứu nêu trên và là giám đốc phòng thí nghiệm Virginia Tech, sụt lún là một vấn đề có thể được làm chậm lại cục bộ. Khai thác nước ngầm cũng như các con đập và cơ sở hạ tầng khác cũng có thể gây ra sụt lún.

Cập nhật: 23/02/2024 Báo Tin tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video