Vì sao nước cam biến mất khỏi kệ hàng nhiều nơi trên thế giới?

Mức giá cao kỷ lục đối với nước cam trên thế giới hiện nay sẽ còn kéo dài, vì dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá các vườn cam ở các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Giá nước cam luôn biến động, giảm khi mùa cam bội thu dẫn tới tình trạng dư thừa lượng cung, và tăng khi sương giá hoặc mưa bão gây thiệt hại tới cây trồng.

Tuy nhiên, mức giá cao kỷ lục đối với nước cam trên thế giới hiện nay có thể sẽ còn kéo dài, vì dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá các vườn cam ở một số quốc gia sản xuất hàng đầu không phải là vấn đề dễ giải quyết, theo AP.


Cuộc khủng hoảng nước cam hiện nay chủ yếu là do khô hạn, mưa lớn và dịch bệnh thực vật ở Brazil cũng như thiệt hại do bão trên diện rộng ở Mỹ. (Ảnh: VCG).

Nguồn cung xuống đáy

Vụ thu hoạch năm nay ở Brazil, nước xuất khẩu nước cam lớn nhất thế giới, có thể sẽ tồi tệ nhất trong 36 năm do lũ lụt và nắng hạn, theo dự báo của Fundecitrus, một tổ chức trồng cam quýt ở bang Sao Paulo.

“Mối lo ngại không chỉ là giá nước cam đang tăng lên. Mối lo ngại là không chỉ dừng lại ở việc thiếu nước ép cam”, Oscar Simonetti, một nông dân trồng cam ở Mogi Guacu, Brazil, chia sẻ.

Tại Mỹ, sản lượng cam vốn đã đi xuống của Florida sụt giảm 62% trong niên vụ 2022-2023 sau khi bão Ian tàn phá thêm một vụ mùa đang gặp khó khăn do sâu bệnh xâm lấn. Nắng hạn cũng làm giảm sản lượng cam của Tây Ban Nha vào năm ngoái.

Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá tăng cao. Tại Mỹ, một lon nước cam cô đặc đông lạnh 350 ml có giá trung bình là 4,27 USD trong tháng 4, cao hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.

Tại Vương quốc Anh, nơi Hiệp hội Nước ép Trái cây Anh cho biết nguồn cung đang ở mức thấp nhất trong 50 năm, giá nước cam tươi đã tăng 25% trong năm qua, theo công ty nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen.

Sự tăng giá này càng đè thêm gánh nặng lên người tiêu dùng vốn đã mệt mỏi vì lạm phát. Theo Rabobank, một ngân hàng Hà Lan tập trung vào thực phẩm và nông nghiệp, mức tiêu thụ nước cam đã giảm từ 15% đến 25% tại các thị trường lớn trên toàn cầu - bao gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu - trong năm qua.

Jonna Parker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khách hàng thực phẩm tươi sống tại công ty nghiên cứu thị trường Circana, cho hay thói quen tiêu thụ trái cây buổi sáng của người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng từ nước tăng lực, sinh tố và các loại đồ uống khác ngoài nước cam.

“Giá tăng cao và mọi người cân nhắc các lựa chọn thay thế khác”, Parker nhận định.

Tiêu thụ nước cam toàn cầu đã giảm trước tình trạng tăng giá hiện tại do sự cạnh tranh từ các loại đồ uống khác và mối lo ngại của công chúng về lượng đường trong nước ép cam. Rabobank cho biết nếu xu hướng đó tiếp tục sẽ giúp cân bằng cung cầu và giữ giá không tăng thêm nữa. Nhưng họ hy vọng nguồn cung hạn chế sẽ khiến giá tăng cao trong một thời gian.


Giá nước cam ở nhiều nơi trên thế giới đang tăng cao một cách điên rồ. (Ảnh: Zuma Press).

Nước cam đang dần biến mất khỏi kệ hàng

Ở một số thị trường, nước cam đang dần biến mất khỏi kệ hàng.

Cuối năm ngoái, McDonald’s ở Australia đã loại bỏ nước cam khỏi thực đơn để chuyển sang “đồ uống trái cây cam” chứa 35% nước cam.

Trong khi đó, Morinaga Milk Industry Co. có trụ sở tại Tokyo dự kiến ngừng sản phẩm nước cam nhãn hiệu Sunkist - sử dụng nước ép từ Brazil - vào cuối tháng 6 do nguồn cung cấp nước cam từ Brazil thấp. Vào tháng 4/2023, Megmilk Snow Brand Co., có trụ sở tại thành phố Sapporo phía bắc Nhật Bản, đã ngừng giao hàng sản phẩm gói nước cam 1 lít và 450 ml mà công ty này bán theo một thỏa thuận với Dole. Sản phẩm này vẫn chưa trở lại.

Một số công ty đang xem xét phương án thay thế cam trong sản phẩm. Coldpress, một công ty nước ép của Anh, đã giới thiệu sản phẩm nước ép quýt vào tháng 2, với lý do giá cam ép thông thường cao.

Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng khác đang kín tiếng về kế hoạch tương lai. Một số nhà sản xuất nước cam lớn - bao gồm Dole, Tropicana, Florida’s Natural, Uncle Matt’s và Coca-Cola (hãng sản xuất các nhãn hiệu Simply và Minute Maid) - đã từ chối bình luận hoặc không trả lời các câu hỏi từ Associated Press.

Nguyên nhân

Nguồn gốc của những rắc rối về nguồn cung hiện nay đã kéo dài hàng thập kỷ. Năm 2005, một loài bọ xâm lấn có tên là rầy châu Á đã xuất hiện ở Florida, chúng tiêm vi khuẩn từ nước bọt vào cây cam tại bang này. Vi khuẩn từ từ giết chết cây bằng cách phá hủy hệ thống rễ. Hiện chưa có cách chữa trị những cây bị nhiễm bệnh.

Hậu quả rất đáng ngại. Năm 2004, trước khi chứng bệnh nan y này - còn gọi là bệnh vàng lá gân xanh - tấn công Florida, bang này đã sản xuất 200 triệu hộp cam. Năm nay, sản lượng chưa đầy 20 triệu.

Michael Rogers, giáo sư côn trùng học và giám đốc Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu cây có múi của Đại học Florida, cho biết không có loại cây cam nào có khả năng kháng bệnh vàng lá gân xanh hoàn toàn, nhưng các nhà khoa học đang cố gắng nhân giống những cây có khả năng chịu đựng tốt hơn.


Cam bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh được nhận biết qua các mặt không đều nhau của trái. (Ảnh: Zuma Press/Alamy Stock).

Bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện ở Brazil cùng thời điểm với Florida, nhưng tiến triển chậm hơn vì Brazil có những vườn cam lớn hơn nhiều. Giáo sư Rogers cho biết sâu bệnh lây lan bằng cách bay từ cây này sang cây khác.

Tuy nhiên, bệnh vàng lá gân xanh vẫn đang lan rộng. Fundecitrus ước tính 38% cây cam của Brazil có bệnh vàng lá gân xanh vào năm 2023.

Simonetti, một nông dân trồng cam, ước tính bệnh này gây ảnh hưởng 20% sản lượng của ông. Ông cho biết cam trên những cây bị bệnh không chín đều và rụng sớm, ảnh hưởng đến chất lượng nước ép.

Chuyển sản xuất sang địa điểm khác cũng không phải là một lựa chọn hiệu quả. Ví dụ, California cũng trồng cam và bệnh vàng lá gân xanh không phát triển tốt trong điều kiện khí hậu của bang này nhưng California lại không có được lượng mưa cần thiết cho ra loại cam đủ nước để ép; giáo sư Rogers cho biết cam của California thường được bán để ăn.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến việc thu hoạch cam là thời tiết khắc nghiệt, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến hơn khi thế giới ấm lên do biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, 9 đợt nắng nóng quét qua Brazil khiến sản lượng cam thấp hơn và chất lượng trái cây kém hơn. Năm nay, tác động của El Ninõ đặc biệt nghiêm trọng, với đợt hạn hán lịch sử ở Amazon và lũ lụt lớn ở bang miền nam Rio Grande do Sul.

“Nhiệt độ ban ngày rất cao. Vào ban đêm, nhiệt độ sụt giảm. Cây trồng không thể chịu được sự chênh lệch nhiệt độ này”, Simonetti nói.

Vụ thu hoạch cam 2024-2025 của Brazil dự kiến mang lại 232 triệu hộp cam, giảm 24% so với năm trước.

Vinícius Trombin, điều phối viên khảo sát cây trồng của Fundecitrus, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một vụ thu hoạch như thế này”.

Để bù đắp cho sản lượng thấp hơn dự kiến, một số nhà sản xuất đang cân nhắc việc trộn cam với quýt để làm nước ép, Trombin cho biết. Tuy nhiên, ông hoài nghi phương án này.

Ông nói: “Người tiêu dùng muốn một loại nước cam được làm từ 100% cam”.

Cập nhật: 19/06/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video