Vì sao Nyiragongo thuộc top núi lửa nguy hiểm nhất châu Phi?

Dung nham từ vụ phun trào gần đây chưa chảy tới thành phố Goma nhưng kết quả theo dõi cho thấy núi lửa Nyiragongo là mối đe dọa lớn.

Núi lửa Nyiragongo tương đối tĩnh lặng. Ngọn núi nằm ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là một trong vài nơi trên thế giới có hồ dung nham sôi sục bên trong miệng hố ở đỉnh núi.

Hôm 22/5, những vết nứt toác ra ở sườn núi lửa, khiến dung nham trào ra và chảy cực nhanh xuống triền núi. Một số dòng dung nham hướng về phía thành phố Goma, siêu đô thị ở cách đó chỉ 9 km với 1,5 triệu cư dân. Dung nham ở đôi chỗ cao ngang 3 tầng nhà, mau chóng tràn qua đường phố của vài ngôi làng bao quanh Goma, nuốt chửng bất cứ công trình nào. Số ca tử vong lên tới 15 người và có thể tăng lên trong những ngày tới.

Hai vụ phun trào gần đây vào năm 1977 và 2002 của Nyiragongo đều là thảm họa. Năm 1977, ước tính khoảng 600 - 2.000 người tử vong bởi dòng dung nham. Năm 2002, nham thạch phá hủy 1/5 Goma, đẩy 120.000 người rơi vào cảnh mất nhà và 250 người chết vì ngạt thở, kéo theo một trạm xăng phát nổ.


Hồ dung nham ở miệng núi lửa Nyiragongo. (Ảnh: Wikipedia).

Những thảm họa trong quá khứ khiến các nhà núi lửa học lo ngại mỗi khi Nyiragongo có dấu hiệu hoạt động. "Đây là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất châu Phi", Benoît Smets, chuyên gia về nguy cơ địa chất ở Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi tại Tervuren, Bỉ, kết luận. Sự nguy hiểm chết người của Nyiragongo là kết quả từ nhiều yếu tố. Do tính chất phức tạp của địa chất khu vực, dung nham từ ngọn núi đặc biệt lỏng, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 64 km/h. Những vụ phun trào cũng có thể sản sinh lượng lớn khí CO2 độc hại. Điều đó vô cùng đáng ngại bởi hàng triệu người sinh sống ở gần ngọn núi.

Do bất ổn chính trị và xung đột trong vùng, Nyiragongo rất khó theo dõi. Bất chấp nỗ lực của Đài quan sát núi lửa Goma, thành lập năm 1986, các nhà nghiên cứu không phát hiện dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào trước vụ phun trào gần đây nhất. Do tất cả yếu tố trên, ngọn núi có thể tạo ra vụ phun trào đáng sợ, theo Corentin Caudron, nhà núi lửa học ở Viện Khoa học Trái Đất tại Grenoble, Pháp.

Nyiragongo với độ cao 3.475 m trong vườn quốc gia Virunga của DRC, tồn tại nhờ hai yếu tố. Một là sự nứt vỡ địa chất của Đông Phi. Dải đất từ Biển Đỏ tới Mozambique đang bị kéo rời. Mảng kiến tạo Nubia ở phía tây bắc và mảng kiến tạo Somalia phía đông nam đang dịch chuyển theo hướng ngược nhau với tốc độ vài centimet mỗi thập kỷ. Sự phân tách này được gọi là Đới tách giãn Đông Phi.

Quá trình tách giãn mở đường cho dung nham dâng lên và tạo ra núi lửa. Hơn nữa, cột vật liệu rắn nhưng siêu nóng của lớp phủ cũng phun lên từ sâu trong lòng đất, tương tác với mặt dưới của mảng kiến tạo. Kết quả là hỗn hợp magma kỳ lạ, theo Christopher Jackson, nhà địa chất học ở Đại học Manchester, Anh.

Phần lớn magma có một lượng nhỏ silica bên trong, hợp chất đóng vai trò như bộ xương của nham thạch. Càng ít silica, dung nham càng sệt khi phun trào. Magma phun trào ở bán đảo Reykjanes của Iceland hiện nay, có lượng silica thấp nên tương đối lỏng, nhưng trên bề mặt bằng phẳng, tốc độ chảy khá chậm. Núi lửa Nyiragongo thì khác. Do có ít silica, dung nham tràn khắp mặt đất, đặc biệt nếu phun trào với tỷ lệ nhiều. Nếu dung nham phun ra từ độ cao lớn, sườn dốc của núi lửa có thể giúp nó tăng tốc.

Dung nham của ngọn núi lửa cũng đặc biệt giàu carbon dioxide, loại khí không màu không mùi. Khí này thường lặng lẽ giải phóng trên mặt đất thông qua tầng ngậm nước phía trên khối magma. Do đặc hơn không khí, carbon dioxide thường tập trung ở khu vực thấp. Nếu magma giàu carbon dioxide trào ra từ Nyiragongo, các cột khí nguy hiểm cũng có thể phun ra đột ngột từ vô số vết nứt.

Những vụ phun trào ở Nyiragongo thường xảy ra khi áp suất của magma tích tụ hoặc động đất mở ra vết nứt ở sườn ngọn núi, dẫn theo dòng chảy từ hồ dung nham hoặc phun trào magma lưu trữ ở sâu bên dưới. Nhưng mỗi vụ phun trào thường có đặc điểm riêng. Do đó, theo dõi dấu hiệu phun trào của núi lửa đặc biệt khó khăn, và Nyiragongo chính là ví dụ hoàn hảo.

Giữa các vụ phun trào, miệng hố ở đỉnh Nyiragongo thường chứa đầy magma. Năm 2016, một mạch phun thứ hai mở ra ở đỉnh núi. Năm 2020, các nhà núi lửa học nhận thấy hồ dung nham đầy lên nhanh hơn so với trước. Tuy nhiên, họ không thể chắc chắn độ cao của hồ dung nham có phải dấu hiệu núi lửa sẵn sàng phun trào hay không.

Hôm 10/5, Đài quan sát Núi lửa Goma phát hiện hoạt động địa chấn gia tăng ở đỉnh núi. Đây có thể là bằng chứng dung nham đang di chuyển tới gần mặt đất. Nỗ lực theo dõi núi lửa Nyiragongo của đài quan sát bị ảnh hưởng bởi một số trạm đo địa chấn bị trộm và phá hoại. Nhiều nơi không được sửa chữa do nguy cơ xảy ra bạo động. Đài quan sát cũng mất nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái. Vì vậy, suốt vài tháng, cảm biến từ xa mất kết nối internet. Các nhà nghiên cứu cũng không thể tiến hành đo đạc tại chỗ thường xuyên.

Đến sáng ngày 23/5, vụ phun trào đã giảm cường độ. Dung nham dừng chảy cách rìa thành phố Goma chưa tới 300 m, để lại phía sau dòng sông nham thạch đông cứng. Thảm kịch ập xuống 17 ngôi làng gần đó, phá hủy hàng trăm ngôi nhà, một trường học, 3 trung tâm y tế và đường ống nước. Núi lửa Nyiragongo vẫn còn nhiều rung chấn và một số trận động đất mạnh gây chấn động trong vùng, hé lộ sự rối loạn bên dưới mặt đất. Nhưng các nhà khoa học không biết khi vụ phun trào mới có xảy ra sớm hay không.

Cập nhật: 26/05/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video