Nhiều quốc gia có những quy định chặt chẽ về thời gian hay phạm vi được sử dụng drone ở các khu vực công cộng. Nếu không tuân thủ, drone sẽ bị bắn hạ.
Quy định quản lý bay chặt chẽ
Để được lái một chiếc drone, những phi công tại Mỹ phải đăng ký máy bay của mình với Cục Hàng không Liên bang (FAA), đồng thời vượt qua được một bài kiểm tra lý thuyết. Dù sử dụng cho mục đích cá nhân hay công việc, drone cũng không được có trọng lượng vượt quá 250 g.
Nhiều nước trên thế giới có quy định chặt chẽ đối với cả máy bay, người sở hữu lẫn người điều khiển để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Getty).
Khi sử dụng drone cho mục đích công việc, phi công phải đảm bảo máy bay không bay ở độ cao quá 120m, tốc độ không quá 160km/h, và không được bay trực tiếp trên đầu của người khác.
Sau vụ việc ở Gatwick, nước Anh cũng giới thiệu các quy định mới đối với phi công lái drone. Từ tháng 11/2019, các phi công phải trải qua một bài thi trực tuyến, trả phí 9 bảng/năm để lái drone. Những người chủ sở hữu cũng phải đăng ký toàn bộ máy bay của mình.
Bên cạnh đó, Anh cũng đưa ra các quy định về trọng lượng, thậm chí là biển đăng ký drone. Những loại máy bay hiện đại có thêm tính năng xác thực danh tính, để cơ quan quản lý có thể biết danh tính thiết bị mà không cần hạ cánh.
Tương tự Anh và Mỹ, các quốc gia khác cũng có quy định chặt chẽ cho các hoạt động sử dụng drone. Một trong những điểm chung của các bộ luật dành cho flycam là phân biệt giữa sử dụng cho mục đích giải trí hay công việc, và cả hai mục đích đều có nhiều quy định cụ thể.
Các khu vực nhạy cảm như sân bay, nơi tụ tập đông người thường không cho phép drone được tới gần. (Ảnh: AP).
Ngoài quy định về máy bay, có nhiều khu vực phi công không được điều khiển drone đến gần hoặc bay qua. Đây thường là các khu vực liên quan đến quân sự, chỗ đông người hoặc sân bay. Nhiều hãng sản xuất drone đã cập nhật sẵn các khu vực này vào trong ứng dụng điều khiển trên smartphone để người dùng dễ nắm bắt.
Tháng 8/2019, một thanh niên Singapore điều khiển drone vào khu vực cấm bay khi diễu hành quốc khánh ở nước này đã bị bắt và đưa ra xét xử. Người này có thể chịu phạt tù tới 1 năm và chịu khoản phạt tới gần 15.000 USD nếu bị tuyên có tội.
Bắn hạ drone không đơn giản
Trong trường hợp những chiếc drone vẫn cố tình bay vào vùng cấm, các lực lượng quản lý sẽ buộc phải tìm biện pháp áp chế, bắn hạ drone. Tuy nhiên, thực tế việc áp chế drone không hề đơn giản.
Với kích thước tương đối nhỏ và tốc độ di chuyển nhanh, rất khó để bắt kịp những chiếc drone. Theo Sky News, trong vụ việc ở sân bay Gatwick mặc dù có tới 93 người báo cáo đã nhìn thấy chiếc drone, không có thiết bị quay phim nào kịp ghi lại hình ảnh của nó.
Những hệ thống radar, vốn được thiết kế để theo dõi những máy bay rất lớn và độ cao bay hàng km cũng khó có thể theo dõi được những chiếc drone nhỏ và bay thấp hơn rất nhiều.
Các đơn vị cảnh sát có mặt tại sân bay Gatwick để săn lùng 2 chiếc drone trong vụ việc cuối năm 2018, tuy nhiên họ không thể hạ những chiếc drone này. (Ảnh: Getty).
Nguyên lý được sử dụng phổ biến trên các súng áp chế drone là can thiệp vào sóng vô tuyến giữa người điều khiển và máy bay hoặc hệ thống GPS để chiếm quyền, buộc máy bay phải hạ cánh hoặc trở về người điều khiển. Với các loại drone thương mại, có thông số rõ ràng về tần số điều khiển, bộ phá sóng hoạt động hiệu quả. Đây cũng là nguyên lý hoạt động của vũ khí do Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo.
Tuy nhiên, những loại drone cao cấp, được thiết kế cho các nhiệm vụ đặc biệt có thể vượt qua cả bộ phát sóng. Chiếc Skyraider của hãng Aeryon có chế độ "Dark Mode" để giấu thân phận và đường liên lạc với phi công. Một hạn chế khác là người tấn công buộc phải nhắm và khóa được mục tiêu trong tầm ngắm của vũ khí, việc không hề dễ nếu như khoảng cách lên tới vài trăm m.
Bên cạnh đó, một số hãng cũng phát triển các loại vũ khí với nguyên lý phóng lưới nhằm ngắt đường di chuyển của drone. Tuy nhiên, các loại vũ khí này có khoảng cách hoạt động còn hạn chế hơn.
Nhỏ gọn, tầm hoạt động xa và an toàn, các thiết bị phá sóng cầm tay là vũ khí chống drone được ưa chuộng. (Ảnh: DroneShield).
Trong vụ việc ở Gatwick, cảnh sát đã tính đến phương án dùng súng thường để hạ drone. Dù vậy, cảnh sát ở sân bay Gatwick, vốn chỉ được trang bị súng ngắn, khó có thể bắn hạ chiếc drone đang bay rất nhanh.
Theo hướng dẫn bắn hạ drone của quân đội Mỹ, để đảm bảo hiệu quả, cả một trung đội phải bắn súng máy vào một điểm cố định trong quỹ đạo dự tính của chiếc máy bay thì mới có thể hạ gục chiếc drone. Việc này rất khó thực hiện ở những khu vực đông người như sân bay hay các quảng trường.
"Chúng tôi đã thử dùng súng bắn, phá sóng radio hoặc các biện pháp khác để xử lý. Mỗi biện pháp đều có những điểm yếu. Chúng ta phải cân bằng giữa việc bắn hạ chiếc máy bay không người lái, và để nó làm cho xong việc nhưng bảo vệ được những người phía dưới. Hiện nay, tôi chưa thấy một giải pháp nào có thể bảo vệ những người xung quanh", ông Andrew McQuillan, Giám đốc công ty Crowded Space chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ sân bay khỏi drone chia sẻ.