Một tin không vui cho những người thích uống nước bưởi với thuốc: loại trái cây này khi dùng chung với thuốc có thể gây hại cho sức khỏe.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra điều này. Trước đây, các bác sĩ cũng đã biết được loại trái cây này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến dược phẩm. Tuy nhiên đến nay các nhà khoa học mới có thể giải thích được tại sao bưởi lại chống lại thuốc.
Nước bưởi chứa furanocoumarin - một chất dường như có ảnh hưởng lên quá trình hấp thụ dược phẩm của con người.
Theo các nhà khoa học tại trường ĐH bắc Carolina, không giống như các loại cam hay quít, nước bưởi chứa furanocoumarin - một chất dường như có ảnh hưởng lên quá trình hấp thụ dược phẩm của con người, kể cả các loại thuốc làm giảm cholesterol, một số loại kháng histamine, một vài loại thuốc chống cương cứng và thuốc làm giảm huyết áp.
Bình thường các loại thuốc này sẽ được chặn lại một phần từ khi đi vào cơ thể bởi một quá trình enzyme trong ruột. Tuy nhiên furanocoumarin sẽ cản trở quá trình enzyme này làm việc, cho phép một phần độc chất của dược phẩm vào cơ thể người có thể làm tổn hại đến các bộ phận cơ thể.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu của trường ĐH bắc Carolina đã cho các tình nguyện viên uống thuốc felodipine (loại thuốc làm giảm huyết áp). Trong số các tình nguyện viên này, một nhóm uống thuốc với nước cam, một nhóm uống với nước bưởi và một nhóm uống với nước bưởi đã loại bỏ furanocoumarin.
Đo lượng dược phẩm có trong máu của bệnh nhân, các nhà khoa học phát hiện những người uống nước bưởi đã loại bỏ furanocoumarin có một lượng dược phẩm bình thường và bằng với lượng này trong máu những người uống nước cam, trong khi những bệnh nhân uống nước bưởi đã tăng 420% lượng felodipine trong máu ở cùng một thời điểm.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition. Đây là bằng chứng tốt nhất chứng tỏ rằng furanocoumarin là thành phần hoạt động trong nước bưởi gây ra sự tương tác với dược phẩm.
Việc xác định hoá chất này có thể dẫn đến việc xác định các thực phẩm khác có chứa furanocoumarin có thể gây ra việc ảnh hưởng đến dược phẩm. Bên cạnh đó, với những loại thuốc không hấp thụ bởi cơ thể một cách dễ dàng thì furanocoumarin có thể được thêm vào viên thuốc nhằm giúp quá trình hấp thụ của cơ thể được tốt hơn.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, bệnh nhân đang sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc cho người già, tốt nhất là không nên ăn bưởi và uống nước ép từ bưởi.
Đối với người có lượng mỡ trong máu cao, nếu dùng một cốc nước ép bưởi để uống một viên thuốc giảm béo thì có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ, thậm chí là dẫn đến bệnh về thận.
Một số bệnh nhân trong thời kỳ sử dụng thuốc chống dị ứng nhất định, nếu ăn bưởi hoặc là uống nước ép bưởi, nhẹ thì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim…, nghiêm trọng có thể dẫn đến đột tử.
Ngoài ra, còn một số thành phần khi kết hợp với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ như: Dung dịch Cyclosporine, chất caffeine, canxi đối kháng, Cisapride… Uống một cốc nước ép bưởi, cùng với các thành phần có chứa trong thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng cùng nhau trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Cách tốt nhất, khi sử dụng một vài loại thuốc nào đó, nhất là thuốc thuộc các nhóm trên thì nên hỏi trực tiếp ý kiến bác sĩ xem có thể dùng bưởi được không.
Thông thường phải sau 48 giờ thôi không hút thuốc lá, uống rượu nữa mới nên ăn bưởi hoặc uống nước bưởi. Bởi trong nước bưởi có chứa chất Pyranocoumarin làm tăng cường chuyển hoá cytochromes P450 (men ruột) gây nên những tác dụng như: Làm tăng độc tính của thuốc lá, nicotin và ethanol, gây hại cho sức khoẻ. Vì vậy không nên ăn bưởi sau khi dùng những chất kích thích trên.
Bưởi có tính lạnh, khiến cho người bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng. Do vậy, nếu trong người yếu thì không nên ăn nhiều bưởi. Thông thường người ta chỉ dùng bưởi để hạ nhiệt, hạ quá mức cũng sẽ gây ra triệu chứng đau bụng…