Nguy cơ khiến bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi luôn ám ảnh là căn bệnh này có thể tái phát và tàn phá cơ thể họ một lần nữa. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã lý giải hiện tượng này.
Bệnh ung thư có thể tái phát
Một số loại ung thư có thể tái phát sau vài năm, thậm chí là hàng chục năm khi đã được chữa khỏi. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Ung thư ở London (Anh) cho cho rằng một số tế bào ung thư có khả năng ‘ngủ đông’ để tránh bị quá trình hóa trị ảnh hưởng; vài năm sau, chúng có thể thức dậy và hoành hành cơ thể người bệnh.
Các tế bào ung thư - Ảnh minh họa: Shutterstock
Nghiên cứu này được xem là khá độc đáo vì các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra mẫu máu và tủy xương của một bệnh nhân mắc loại ung thư bạch cầu hiếm gặp. Hai mẫu bệnh phẩm được thu thập cách nhau đến hơn 20 năm.
Mẫu bệnh phẩm đầu tiên được phân tích khi bệnh nhân mới 4 tuổi. Mẫu thử hai phân tích lúc ung thư tái phát, khi đó bệnh nhân đã 25 tuổi, tức khoảng 22 năm sau.
Khi không bị quá trình hóa trị ảnh hưởng, các tế bào ung thư sẽ tập hợp các đột biến mới để phát triển trở lại, giáo sư Mel Greaves, người đứng đầu chương trình nghiên cứu cho biết.
Họ đã xác định một dạng đột biến trong các tế bào ung thư ở 2 mẫu máu cách nhau 22 năm. Theo đó, 2 gien có tên gọi BCR và ABL1 đã kết hợp lại với nhau.
Những phát hiện này được kỳ vọng sẽ giúp phát triển các phương pháp điều trị có thể diệt trừ tận gốc các tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa bệnh tái phát.