Bằng chứng về những sinh vật thuộc hàng cổ xưa nhất Trái đất đã được niêm phong trong mỏ hồng ngọc nổi tiếng ở đảo băng giá Greenland.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất Chris Yakymchuk từ Đại học Waterloo (Canada) đã xem xét chất graphite bên trong một viên hồng ngọc Greenland, thứ khiến viên đá quý bị các thợ kim hoàn "chê", nhưng thực chất lại là báu vật vô giá.
Viên hồng ngọc vô giá mà các nhà khoa học vừa phát hiện - (Ảnh: Đại học Waterloo).
Graphite là một dạng carbon tự nhiên và quá trình phân tích đồng vị đã xác định được nó là carbon-12, tức có nguồn gốc hữu cơ. Niên đại của viên hồng ngọc lên tới 2,5 tỉ năm tuổi, tức số carbon mà nó đã cất giữ trong lõi khi hình thành chính là bằng chứng cổ xưa về những sinh vật sơ khai của Trái đất, có từ rất lâu trước khi sinh vật đa bào xuất hiện.
Theo Science Alert, đây là một phát hiện tình cờ khi tiến sĩ Yakymchuk cùng các cộng sự đang nghiên cứu sự hình thành của corundum - một dạng kết tinh của nhôm oxit, chính là khoáng vật tạo nên những viên đá quý màu hồng đến đỏ tuyệt đẹp này. Corundum rất có ý nghĩa với khoa học địa chất bởi nó chỉ có thể hình thành dưới sức nóng và áp suất dữ dội tại ranh giới kiến tạo của Trái đất, nơi xảy ra quá trình hút chìm và va chạm của các mảng kiến tạo, nói nôm na là các mảnh vỏ của Trái đất.
Vì vậy, nguồn gốc của viên hồng ngọc cung cấp cái nhìn về những nơi "không thể tin được" mà sự sống sơ khai của Trái đất đã hình thành và trú ngụ, trong cái thuở hành tinh hãy còn là một địa ngục không có oxy và đầy khí độc.
Ngược lại, sự hiện diện của vi sinh vật 2,5 tỉ năm tuổi ở mỏ hồng ngọc cũng đưa đến một dữ liệu quan trọng về môi trường mà hồng ngọc hình thành: đó là một thế giới có chất lỏng, vì có nước thì vi sinh vật mới tồn tại được. Chất lỏng giúp vận chuyển silicon dioxide ra khỏi các phiến đá sâu, từ đó tạo môi trường thuận lợi để hồng ngọc hình thành.
Nghiên cứu vừa công bố trên Ore Geology Reviews.