Thiếu chính sách để thúc đẩy khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo, trong khi tiêu dùng năng lượng còn lãng phí và chưa hiệu quả… Đó là vấn đề đặt ra tại Hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam" được tổ chức vào ngày 14/6 tại Viện Goethe, Hà Nội.
Khoảng 80 nhà khoa học trong nước và một số chuyên gia năng lượng nước ngoài đã tham gia Hội thảo trên.
Phát biểu tại Hội thảo, GS Phạm Duy Hiển cho biết, nguồn năng lượng điện ở nước ta hiện chưa được sử dụng hiệu quả, còn tổn thất và lãng phí nhiều. Mức độ tổn thất có thể đến 15.8%, trong khi ở nhiều nước trên thế giới mức tổn thất chỉ vào khoảng 7-9%.
GS Phạm Duy Hiển (đứng, bên phải ngoài cùng) đang thảo luận cùng các chuyên gia Đức về việc sử dụng năng tái tạo ở VN. (Ảnh: Ngọc Huyền) |
Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch khác như dự trữ than, dầu thô, khí đốt không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng sau năm 2020…
Một nhà khoa học khác, ông Nguyễn Thưởng cũng cho biết, tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối ở VN hiên nay khoảng 12%, ở một số nước trong khu vực khoảng 7%.
Để làm ra 1 USD giá trị gia tăng, VN tiêu tốn năng lượng nhiều hơn các nước trong khu vực khoảng 30-40%. VN không thể duy trì tăng trưởng GDP cao với cường độ năng lượng cao như hiện nay
Điều đáng ngạc nhiên là, cho đến nay, vẫn còn nhiều nguồn năng lượng khác gọi là “năng lượng tái tạo” (hay năng lượng hoàn nguyên”) như gió, mặt trời, nhiên liệu sinh khối (từ thực thực vật, động vật) mặc dù dồi dào nhưng vẫn chưa được thúc đẩy sử dụng để bổ sung cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt hoặc phát triển chưa theo kịp nhu cầu.
Năng lượng tái tạo: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ! |
Tới dự hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam", về phía Đức có vị khách mời TS. Herrmann Scheer (Nghị sĩ Quốc hội Đức, Chủ tịch EUROSOLAR và Chủ tịch Ủy ban quốc tế về năng lượng tái tạo), ông Roman Ritter thuộc Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Đức và Việt Nam, cùng với đại diện các Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và đầu tư và các hội khoa học ở Việt Nam. Theo TS. Herrmann Scheer năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, có thể đưa ra ứng dụng nhanh hơn so với các năng lượng khác. Hơn nữa, phát triển năng lượng tái tạo đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí xây dựng trạm, không bị phá hoại môi trường, thoát khỏi sự phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu và sự cố rủi do là không đáng kể. Đặc tính của năng lượng tái tạo giá thành ngày càng rẻ sau khi khấu hao, không có tính chất phức hợp và dễ vận hành, xây dựng trong thời gian ngắn, nếu là nhà máy sản xuất điện từ sức gió (phong điện) thì chỉ mất 1 tuần là có thể sử dụng được. |
Về dầu thực vật, trong khi một số nước đã nghiên cứu từ dầu thực vật để cho ra nhiên liệu sinh học (biodiesel) pha trộn với xăng để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ thì ở ta chưa có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nguồn năng lượng này.
Về năng lượng mặt trời, VN có số giờ nắng trung bình khoảng 2000-2500h/năm với tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150kCal/cm2/năm. Tiềm năng từ năng lượng mặt trời có thể lên khoảng 43,9 tỷ tấn năng lượng năm.
Về gió, mặc dù VN có nhiều nơi dồi dào về gió, nhưng hiện chỉ có một vài nhà máy phát điện từ gió với công suất không đáng kể…. Theo một báo cáo tại Hội thảo, đã có nhà đầu tư trong nước đầu tư vào nhà máy phát điện bằng sức gió nhưng gặp trở ngại về chính sách nên 5-6 năm trôi qua, vẫn chưa xây xong nhà máy.
Nhiều nhà khoa học đã tỏ ra bức xúc khi cho rằng, Việt Nam chưa công bố một chính sách năng lượng quốc gia chính thức. Hiện nay, Bộ Công nghiệp vẫn đang trình Chính phủ thông qua chính sách năng lượng quốc gia (NLQG).
Cho đến nay, Việt Nam vẫn thiếu một Cơ quan quản lý và điều tiết năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, sự phát triển năng lượng thiếu đồng bộ giữa các phân ngành, giữa các Tổng Công ty (dầu khí, điện lực, than).
Các nhà khoa học kiến nghị, Chính phủ nên thiết lập một Ủy ban Chính sách năng lượng quốc gia nhằm quản lý và điều tiết về hoạt động trong lĩnh vực năng lượng do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch với một văn phòng chính sách năng lượng quốc gia giúp việc.
Ngọc Huyền-Nông Khắc Ý