Hệ đất ngập nước Bàu Sấu (vườn quốc gia Cát Tiên) có tầm quan trọng quốc tế thứ 1499 của thế giới theo danh sách Ramsar đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam |
Báo cáo "Tổng quan hiện trạng đất ngập nước Việt Nam sau 15 năm thực hiện Công ước về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước toàn cầu Ramsar", được Cục Bảo vệ Môi trường công bố ngày 16-1 tại Hà Nội, cho thấy đất ngập nước ở Việt Nam rất đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học, có nhiều chức năng và giá trị kinh tế, xã hội và văn hóa.
Các vùng đất ngập nước này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, hạn chế tác động thiên tai.
Danh mục các vùng đất ngập nước do báo cáo đưa ra đã thu hút sự quan tâm đầu tư của đông đảo cộng đồng quốc tế, nhằm hỗ trợ Việt Nam sử dụng hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên trong các khu đất ngập nước.
Báo cáo, do Cục Bảo vệ môi trường tiến hành với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học và Sử dụng bền vững đất ngập nước Mê Công (MWBP) và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), cũng đề xuất các giải pháp quản lý đất ngập nước trong tương lai.
Theo Cục Bảo vệ môi trường, từ năm 2006, trong các hoạt động bảo tồn và phát triển đất ngập nước, Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở pháp lý và lập bản đồ đất ngập nước quốc gia.
Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Báo cáo là tài liệu hữu ích giúp các nhà quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ, phát triển các vùng đất ngập nước từ Trung ương đến cơ sở.