Một hội nghị tầm châu lục về bảo tồn đất ngập nước vừa khai mạc tại Hà Nội, khi mà quá nhiều hồ đã bị san lấp. Nhiều vùng đất ngập nước ô nhiễm nặng vì công nghiệp và đô thị hóa. Động thực vật nơi đây bị thu hẹp chốn sinh sống; lượng thức ăn cho con người dần cạn kiệt.
Thôn tin tại Hội nghị Đất ngập nước châu Á lần thứ tư tại Hà Nội (23-25/6/2008) cho thấy, Việt Nam có 68 khu đất ngập nước nội địa và ven biển, với diện tích khoảng hơn 10 triệu ha, trong đó có nhiều khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế như: Hồ Ba Bể (Vườn quốc gia Ba Bể), khu cửa sông Hồng Tiền Hải, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau và khu đất ngập nước Côn Đảo…
Đất ngập nước ở Việt Nam là nơi trữ nước, điều hòa lượng mưa và dòng chảy. Nhiều vùng đất ngập nước, đặc biệt là rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển là môi trường thuận lợi để nhiều loài động vật hoang dã đẻ trứng, nuôi dưỡng, để thực vật sinh trưởng. Đất ngập nước của Việt Nam được coi là nguồn gốc của văn minh lúa nước (rộng hơn là văn minh nước), cung cấp nguồn thức ăn lớn cho con người. Ngày nay, tài nguyên này còn giúp Việt Nam phát triển du lịch.
Riêng đất ngập nước vùng ven biển Việt Nam, được chia thành 6 tiểu vùng duyên hải khác nhau dọc theo bờ biển: từ Móng Cái đến Đồ Sơn, Đồ Sơn đến cửa sông Lạch Trường, Cửa sông Lạch Trường đến Mũi Hải Vân, Mũi Hải Vân đến Mũi Hồ Tràm, Mũi Hồ Tràm đến Mũi Giành Rái, Mũi Giành Rái đến Hà Tiên. Ở mỗi tiểu vùng duyên hải, đang bộc lộ trình trạng sử dụng thiếu phù hợp và quản lý không theo quy hoạch tài nguyên đất ngập nước.
Toàn cảnh hội nghị đất ngập nước. (Ảnh: Ngọc Huyền) |