Việt Nam: Cúm gia cầm đe dọa tái xuất hiện?

Vào đầu tháng 8 vừa qua, thêm hai trường hợp nghi nhiễm H5N1 trên người đã tử vong dù xét nghiệm âm tính. Trong khi thời tiết những tháng cuối năm thích hợp cho virus cúm phát triển.

PGS TS BS Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra những cảnh báo trên tại hội thảo “Tăng cường giám sát và chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người” vào ngày 16/8.

Hai ca tử vong nghi cúm A/H5N1

Bệnh nhân nam tên B. N. Q., sinh năm 1951, ngụ tại khu vực 1, phường 5, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ngày 3/8, bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên: sốt và lạnh run.

Bệnh nhân nhập viện điều trị lúc 6g40 ngày 4/8 tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang với chẩn đoán: Choáng nhiễm trùng đường ruột. Khi nhập viện, nhiệt độ của bệnh nhân là 36oC. Các triệu chứng kèm theo: ho, đau họng, khó thở, vã mồ hôi, đau ngực, nôn ói, tiêu chảy. Tình trạng bệnh nhân: vật vã, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.

Tuy nhiên vào 17g50 cùng ngày bệnh viện Đa khoa Hậu Giang đã chuyển bệnh nhân Q. đến BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM do bệnh không thuyên giảm.

Giám sát ca nghi nhiễm cúm A/H5N1:

- Ca nghi ngờ: Sốt 38oC trở lên; có một trong các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở; có yếu tố dịch tể như đã từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1(+), gia cầm bị bệnh, hoặc đi ra từ khu vực đang lưu hành dịch cúm gia cầm trong vòng 14 ngày.

- Ca có thể: Có tiêu chuẩn chẩn đoán nghi ngờ; có ít nhất một bằng chứng xét nghiệm gợi ý viêm phổi do virus cúm như: hình ảnh X-quang diễn tiến nhanh phù hợp với cúm, số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.

Về mặt dịch tễ học, trong vòng 3 tháng qua, nhà của bệnh nhân Q không có nuôi gia cầm hay các loại lông vũ khác. Trong 2 tuần trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân không đến trại chăn nuôi có gia cầm chết, không tiếp xúc với các phương tiện vận chuyển gia cầm ốm, chết, không ăn sản phẩm gia cầm ốm, chết, không tham gia giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Tại khu vực bệnh nhân sinh sống không có gia cầm ốm, chết, không có người mắc bệnh nhiễm trùng hô hấp nặng. Nhưng, vào ngày 1/8, bệnh nhân có ăn sản phẩm gia cầm (có đóng dấu cơ quan thú y) với loại thức ăn: vịt nấu chao (chín).

Khi bệnh nhân vừa mới nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán là choáng nhiễm trùng. Lúc chuyển viện đi, bệnh nhân được chẩn đoán là nghi viêm phổi cấp do virus. Bên cạnh đó, X-quang phổi của bệnh nhân Q cho thấy phổi phải mờ 2/3 trên.

Các mẫu bệnh phẩm từ phết họng và huyết thanh của bệnh nhân đã được lấy vào ngày 4/8 và gửi đến Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả H5N1 trên bệnh nhân này là âm tính. Nhưng bệnh nhân đã tử vong ngay sau đó vào ngày 6/8.

Trước đó, vào 12g30 ngày 30/7/2006 bệnh nhân nam N.V.C 31 tuổi đã nhập viện Đa khoa Kiên Giang, trong tình trạng sốt cao và suy hô hấp. Bệnh nhân ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang.

Người nhà bệnh nhân khai anh C đã trực tiếp làm thịt và ăn thịt vịt. Tuy nhiên, sau đó, người nhà mới cung cấp thông tin chính xác là anh C đã trực tiếp làm thịt một con vịt sống. Đó là con vịt lạc bầy bắt ngoài đồng. Ngoài anh C, gia đình anh gồm người cha, vợ và hai con cũng đã ăn thịt vịt đó. Tuy nhiên chỉ có anh C mới nhập viện với sốt cao và suy hô hấp.


Hội thảo tăng cường giám sát và chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm
và cúm A/H5N1 ở người ngày 16/8. (Ảnh: H.Cát)

8 giờ ngày 31/7, X-quang phổi của anh C bình thường nhưng đến 18 giờ cùng ngày, X-quang phổi cho thấy lá phổi bên phải của anh C bị tổn thương. Sau đó, một X-quang khác cho thấy toàn bộ phổi bên phải của anh C bị tổn thương. Bệnh nhân được cách ly. Bệnh nhân được cho uống Tamiflu và hỗ trợ thở máy.

Từ ngày 2/8 cho đến ngày 6/8, X-quang phổi cho thấy tình trạng khá hơn. Khí máu động mạch bình thường không như những ca tử vong khác vì cúm H5N1. Ngày 4/8, viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân này là âm tính đối với H5N1. Nhưng có những xét nghiệm bất thường như lượng bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm cho đến ngày anh C tử vong vào 8 giờ ngày 8/8.

"Dịch cúm gia cầm tái xuất hiện ở Việt Nam?" PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM lo ngại.... (Ảnh: H.Cát)

Trong hội nghị này, bác sĩ BV Đa khoa Kiên Giang cho biết, bệnh nhân có rối loạn huyết học, rối loạn đông máu. Tổn thương gan và thận trầm trọng, trong khi tổn thương phổi diễn tiến nhanh chóng nhưng không giảm lượng oxy trong máu. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân M là mất tri giác chứ không phải là suy hô hấp.

Âm tính nhưng…

Theo PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đã bày tỏ nghi ngờ khi đặt câu hỏi “Dịch cúm gia cầm tái xuất hiện ở Việt Nam?”.

Trong báo cáo của mình, PGS TS Kim Tiến cho biết, bệnh cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở các nước với các diễn biến phức tạp. Trong khi, một số tỉnh có xét nghiệm H5N1 dương tính trên gia cầm như TP.HCM, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh. Đồng thời thời tiết các tháng cuối năm là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của virus H5N1.

Song song đó, vào đầu tháng 8, đã có thêm hai trường hợp nghi nhiễm H5N1 trên người đã tử vong và xét nghiệm âm tính.

Tính từ năm 2003 đến ngày 14/8/2006, trên thế giới đã có 236 ca mắc bệnh cúm H5N1, trong đó tử vong 138 ca. Riêng Việt Nam tuy con số người mắc là 93, và tử vong là 42 nhưng năm 2006 chưa có một thông báo nào về người mắc bệnh hay tử vong vì cúm H5N1.

Đồng ý với ý kiến của PGS TS Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng tỏ ra lo ngại cho đến thời điểm này các hội chứng cúm theo mùa đã tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, cúm týp B tăng 11,2% trong khi năm 2005, tỷ lệ này chỉ có 2,2%.

Đặc tính nổi bật của vi-rút cúm là sự thay đổi kháng nguyên trong quá trình lưu hành trong cộng đồng dân cư. Những thay đổi nhỏ xảy ra liên tục hàng năm, thường gây nên các vụ dịch nhỏ.

Do đó, vi-rút cúm A/H5N1 hoàn toàn có thể biến đổi trở thành vi-rút có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người trong một tương lai gần. Với chiều hướng này, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người với hàng chục triệu người mắc và 2 - 7 triệu người tử vong. 

Hơn thế nữa Việt Nam là một trong những nước thông báo có dịch cúm xảy ra trên người. Đến cuối năm 2005 đầu 2006, 59 nước trên 5 châu lục đã có dịch cúm A/H5N1, lan rộng ra một số nước thuộc cửa ngõ châu Âu như Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh, “Trước tình hình bị bao vây của dịch cúm H5N1, nếu làm không tốt công tác giám sát, thì có thể dịch bùng phát một tuần rồi mới phát hiện. Trong một tuần, với tốc độ ôtô hay thậm chí với tốc độ máy bay, dịch không chỉ bùng phát trên cả nước mà còn lây lan sang nước khác.”

Một số tỉnh như Kiên Giang có dịch vịt, gà chết không báo cáo. Thậm chí có người ăn cả vịt – gà chết không rõ nguyên nhân. Lý do, mạng lưới thú y xã chỉ có một người, vì vậy gia cầm không được giám sát tại chỗ một cách kịp thời.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Việt Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, lại bức xúc đến người dân chính quyền còn chưa quản lý được, thì làm sao biết được nhà nào nuôi con gì, đặc biệt là trong quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Người ốm còn đi điều trị, chết thì chôn, ai cũng biết. Chứ con gà, con vịt ốm, người nuôi muốn chữa thì chữa, muốn mần ăn thì mần ăn, báo thì biết, không báo thì thôi,” Chị Nga phát biểu.

Vả lại, theo chị Nga, tuy lực lượng thú y mỏng nhưng họ đến từng hộ dân ít nhất đã được 2 lần để tuyên truyền về cúm gia cầm

Gà và vịt nhốt cạnh nhau tại một lò giết mổ... Nguy cơ gây dịch cúm! (Ảnh: H.Cát)

. Nhưng một bên, hành vi người dân rất khó thay đổi. Một bên khác, cuộc sống quá khốn khổ trong khi dịch biết đến khi nào mới nổ ra, năm 2010 hay 2015. Do đó, mỗi hộ gia đình nuôi không nhiều con, nhưng nhiều loại và nhiều lứa tuổi.

Trong khi đó, BS Ngô Thanh Long - Trưởng phòng Chẩn đoán dịch tễ của Trung tâm thú y vùng TP.HCM báo cáo, sau khi tiêm mũi thứ hai vắc-xin cho gia cầm, một tháng sau, nhìn chung các đàn gà – vịt an toàn đạt yêu cầu, nhưng sau 4 tháng, sự an toàn này giảm xuống.

“Thời gian tiêm chủng lặp lại đối với vịt là 4 tháng và đối với gà là 5 tháng nhưng thời gian bảo hộ của vắc-xin chỉ dưới 4 tháng”, BS Ngô Thanh Long nói.

Ngoài ra, BS Long còn e ngại khi đề cập đến kinh nghiệm của một số nước về sự tái tổ hợp giữa các loại virus. Năm 1999, các chuyên gia quốc tế phát hiện virus cúm H10N7 trên chim di trú. Đến năm 2000, họ lại phát hiện một loại virus mới H7N7. Hai loại virus này tổ hợp sẽ tạo nên 256 gien khác nhau trong đó có loại gien của virus H7N7 độc lực cao mà các chuyên gia phát hiện sau đó 3 năm.

Trở lại tình hình Việt Nam, BS Long nhấn mạnh, hiện nay Trung tâm Thú y vùng TP.HCM giám sát các dòng virus bố mẹ trong phạm vi bán kính từ 500m – 1km. Biện pháp tốt nhất hiện nay là cách ly vịt – gà. Vì chỉ cần một đời tiếp xúc, như HxN1 kết hợp với H5Nx, có thể sinh ra virus H5N1 có độc lực cao.

Hương Cát

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video