Trong khuôn khổ Khóa họp 58 Đại Hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tuần trước, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Phòng thí nghiệm liên hợp giữa IAEA và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và lương thực, IAEA đã tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thành viên có nhiều thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống, đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Việt Nam đã giành được 3 trong tổng số 23 giải thưởng, trong đó có một giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
Các giải thưởng của IAEA được xem xét chủ yếu căn cứ vào sự phát triển ổn định của các giống mới được tạo ra cũng như mức độ và quy mô tác động kinh tế, xã hội do các giống mới đem lại cho người dân.
Kỹ thuật đột biến gene, thúc đẩy nhanh hơn sự lựa chọn và biến đổi gene trong tự nhiên, đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1970.
Với sự giúp đỡ của IAEA, từ những năm 80 của thế kỷ trước, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam như Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long… đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, cho ra đời một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt và có khả năng chịu ngập, mặn cao.
Khóa họp 58 Đại Hội đồng IAEA kết thúc ngày 26/9 cũng đã thông qua 15 nghị quyết và 4 quyết định định kỳ trong đó có 4 nghị quyết và 4 quyết định về các vấn đề tài chính, nhân sự năm 2015 và sửa đổi Quy chế IAEA; nghị quyết về Hợp tác quốc tế về an toàn hạt nhân, phóng xạ, vận chuyển và chất thải, Nghị quyết về vấn đề hạt nhân tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Nghị quyết về thực hiện chế độ thanh sát của IAEA tại khu vực Trung Đông và Nghị quyết "Tăng cường hiệu quả của hệ thống thanh sát IAEA".
Khóa họp đã bầu các thành viên của Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2014-2016; phê duyệt tổng ngân sách thường xuyên của IAEA năm 2015 trên 350 triệu euro, dành 70 triệu euro nguồn đóng góp tự nguyện cho chương trình hỗ trợ kỹ thuật, trong đó mức đóng góp ngân sách dự kiến của Việt Nam là khoảng 108.000 euro cho ngân sách thường xuyên và 15.000 USD cho Quỹ Hợp tác kỹ thuật (0,035% trong thang bậc đóng góp).