Sáng kiến giảm khí nhà kính do mất, suy thoái rừng; quản lý tài nguyên rừng bền vững; bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng tại nước đang phát triển (sáng kiến REDD+) mở ra những hướng đi mới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
REDD+ là một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Nó tạo ra nguồn tài chính mới phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, sáng kiến này cũng góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng... Trên thế giới, một số chương trình song phương và đa phương đã được thiết lập nhằm cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, như chương trình hợp tác về REDD+ của Liên hợp quốc (gọi tắt là chương trình UN-REDD), Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) dưới sự quản lý của Ngân hàng Thế giới...
Hội thảo khởi động Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II với sự tham gia của Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc; ngài Stale Torstein Risa - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và các bên liên quan.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. REDD+ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết tình trạng này. Chương trình Hành động quốc gia về REDD+ đã được phê duyệt tháng 6/2012. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan đầu mối thực hiện dự án. Văn phòng REDD+ Việt Nam cũng đã được thành lập nhằm hỗ trợ việc hướng dẫn, quản lý và điều phối các hoạt động trên toàn quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được lựa chọn là nước thí điểm tham gia Chương trình UN-REDD của Liên hợp quốc và Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) do Ngân hàng Thế giới quản lý. Tháng 12/2012, Na Uy tài trợ 180 triệu Cuaron (tương đương với trên 30 triệu USD) để thực hiện UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Nauy sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn sau 2015. Bên cạnh đó, nước ta còn nhận được sự hỗ trợ của các nước Mỹ, Đức, Nhật, EU và các tổ chức phi chính phủ cho việc thực hiện REDD+.
Hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam”
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan hoàn thành các yêu cầu về thể chế và kỹ thuật thực hiện REDD+ theo quy định tại thỏa thuận Cancun. Ngoài ra, Nhà nước cũng xây dựng các đề xuất dự án mới tham gia Quỹ carbon và Quỹ carbon sinh học để tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án và có kinh phí chi trả cho kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện cần và đủ cùng với sự nỗ lực từ tất cả các bên tham gia để thực hiện sáng kiến hiệu quả, thành công. REDD+ là vấn đề mới, phức tạp và vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhiều khái niệm và phương pháp vẫn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, khi thực hiện các hoạt động REDD+, việc đảm bảo hạn chế các tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp của dự án đến cộng đồng và hệ sinh thái cũng là một khó khăn.