Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản ngày 22/5 đã nhất trí cùng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật biến đổi gene nhằm tăng năng suất và chất lượng ở cây sắn Việt Nam đồng thời giảm bớt các tác hại gây xói mòn đất ở loài cây này.
Đại diện hai viện nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản ký kết thoả thuận. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+) |
Ngày 22/5, tại thành phố Yokohama, Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản (RIKEN) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sắn biến đổi gene với Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam nhằm tạo ra một loại sắn có hiệu quả kinh tế cao.
RIKEN là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản về hóa học, vật lý, sinh học, y học và công nghệ.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ hy vọng dự án sẽ thành công, tạo tiền đề quan trọng cho các hợp tác nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước trong tương lai.
Ông Kenji Oeda, thành viên Ban giám đốc RIKEN, nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác quan trọng của viện ở Đông Nam Á và lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực mà giới khoa học ở cả hai nước đặc biệt quan tâm.
Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam Lê Huy Hàm cho biết thời gian gần đây, cây sắn được xác định là loài cây nhiên liệu sinh học thích hợp duy nhất đối với Việt Nam trong thời gian tới và sắn đã trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch năm 2012 đạt tới 1,2 tỷ USD.
Theo ông Hàm, trên thế giới hiện nay, để tạo ra một giống cây trồng biến đổi gene phải cần đến chi phí từ 50-100 triệu USD và mất từ khoảng 7-10 năm.
RIKEN và các nhà khoa học Việt Nam cũng hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ mang lại thành công, giúp người nông dân tăng năng suất cây trồng.
Sắn là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo nhưng lại chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn gây xói mòn đất, sa mạc hóa.
Các quốc gia như Trung Quốc và Thái Lan vốn trước đây là các nước có diện tích trồng sắn lớn nhất châu Á và cung cấp phần lớn bột sắn cho thế giới song thời gian gần đây đã giảm dần việc trồng sắn do những nhược điểm kể trên.
Nếu nghiên cứu về sắn biến đổi gene mang lại kết quả thành công, đây có thể là lời giải cho bài toán hóc búa về cây sắn theo đó giảm thiểu tác hại gây bạc màu đất và tăng năng suất cây trồng.
Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc dự án, giáo sư Kazuo Shinozaki, cho biết các nhà khoa học của hai Viện sẽ cùng nghiên cứu biến đổi gene ở cây sắn nhằm tăng cường khả năng tổng hợp tinh bột ở cây, tạo ra giống cây chất lượng cao.
Giáo sư Shinozaki thông báo tới đây, hai bên sẽ thành lập một phòng thí nghiệm chung ở Việt Nam và đây sẽ là cơ sở để các nhà khoa học hai nước có điều kiện tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu.