Ngày 16/11, ông Nguyễn Đức Phường, Hội thiên văn, Vũ trụ Việt Nam cho hay, người dân Việt Nam có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú – mưa sao băng vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17 và 18/11.
Ông Phường nói rằng, trung bình mỗi năm xuất hiện khoảng 10 trận mưa sao băng lớn với khoảng 100 vệt sáng/giờ. Mưa sao băng Leonids (Sư tử) xuất hiện lần này được xem là bất thường trong tất cả các trận mưa sao băng Sư tử thường thấy.
Thông thường, cứ sau khoảng chu kỳ 33 năm mới lại xảy ra mưa sao băng Sư tử với số lượng lên đến hơn 1.000 sao băng/giờ và lần gần đây nhất vào năm 1998.
Một sao băng Leonids được chụp vào năm 1998. (Ảnh: Internet) |
Khác với nhật thực hay nguyệt thực, mọi người có thể dùng mắt thường để quan sát hiện tượng mưa sao băng. Tuy nhiên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam cho rằng với thời tiết được dự báo có mây mù và mưa ở thời điểm hiện tại sẽ cản trở việc quan sát này.
Đồng tình, song ông Phường cũng đưa ra khuyến cáo, nếu muốn xem trận mưa sao băng này, mọi người nên chọn địa điểm tránh chỗ ánh sáng cao áp và hướng nhìn về chân trời phía Đông (chòm sao Sư tử) không bị che khuất.
Cũng theo ông Phường, vào đêm 13, rạng 14/12 tới, trên bầu trời cũng sẽ xuất hiện một trận mưa sao băng với khoảng 60-80 vệt sáng/giờ. “Đây sẽ là trận mưa sao băng rất đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau,” ông Phường nói./.
Theo ông Phường, mưa sao băng Sư tử xuất hiện khi trái đất đi xuyên qua đám bụi của đuôi sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. Thành phần vật chất (thường là các vẫn thạch nhỏ) trong đám bụi này lao vào bầu khí quyển với vận tốc khoảng 30-50km/s tạo ra sóng xung kích, nén các phần tử không khí phía trước làm nhiệt độ tăng lên hàng nghìn độ và bốc cháy tạo ra những vệt sáng nhỏ ở độ cao 60-100 km (tính từ mặt đất lên).
Những vệt sáng nhỏ này chính là sao băng mà con người nhìn thấy được.