Mary, con voi châu Á nặng 5 tấn, bị xử treo cổ bằng cần cẩu sau khi giết chết một thành viên trong đoàn xiếc.
Sau khi giết một huấn luyện viên ở Kingsport, Tennessee, voi Mary bị treo cổ vào năm 1916. Cái chết của cô voi này cho tới nay vẫn được coi là một câu chuyện thương tâm về ngược đãi dộng vật trong rạp xiếc vào đầu thế kỷ 20.
Sự kiện voi Mary, "ngôi sao" trong gánh xiếc rong Sparks World Famous Shows, bị xử treo cổ vì tội giết người tại bang Tennessee, Mỹ gây ra chấn động lớn trong dư luận vào năm 1916, theo Rare Historical Photos.
Câu chuyện của Mary bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 với Charlie Sparks, một người biểu diễn xiếc từ năm 8 tuổi. Cha ông đã mua con voi châu Á 4 tuổi này và đặt tên là Mary. Sparks cùng người vợ Addie Mitchell tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng Mary như chính con mình.
Sau này, ông trở thành chủ sở hữu Sparks World Famous Shows, gánh xiếc rong với những chú hề, nghệ sĩ nhào lộn, sư tử và các con thú độc lạ khác, trong đó có Mary. Biệt danh của con voi là "Big Mary" (Mary To Lớn) vì nó nặng đến 5 tấn và từng được giới thiệu là "Động vật trên cạn lớn nhất Trái Đất còn sống". Voi Mary có thể thực hiện nhiều màn biển diễn với các kỹ thuật khác nhau như đứng lộn ngược trên mặt đất, chơi nhạc cụ và ném bóng...
Vào thời điểm đó, vẫn còn rất nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy một con vật kỳ lạ lớn như vậy, nên giá trị của Mary dao động từ 8.000 đến 20.000 đô la Mỹ, đồng thời cô voi này cũng là lý do chính khiến nhiều người đến xem rạp xiếc Sparks vào thời điểm đó.
Ngày 12/9/1916, bi kịch xảy ra khi Walter Eldridge, có biệt danh là Red vì mái tóc đỏ hoe, một kẻ lang thang được đoàn xiếc thuê trước đó một ngày, ngồi trên lưng Mary để điều khiển cả đoàn voi diễu hành. Mary là ngôi sao của buổi biểu diễn nên được đi đầu, theo sau là những con voi khác của đoàn xiếc.
Red chỉ là một kẻ lang thang qua ngày và sống "dựa hơi" vào rạp xiếc, không có kinh nghiệm huấn luyện voi, tuy nhiên, yêu cầu duy nhất của công việc này là phải có thể sử dụng "cần huấn luyện voi" - một cây giáo dài thường được quản tượng dùng trong quá trình huấn luyện và điều khiển voi. Nhưng trên thực tế, Red vẫn chưa được đào tạo một cách bài bản và chỉ được dặn dò phải "tôn trọng và nhẹ nhàng" đối với những con vật ở đây.
Voi Mary bị treo cổ bằng cần cẩu. (Ảnh: Rare Historical Photos).
Vào ngày 12 tháng 9 năm 1916, Kingsport tổ chức hội chợ quận đầu tiên của mình, và rạp xiếc Sparks được mời biểu diễn tại đó. Và hiển nhiên, vẫn như thường lệ, có rất nhiều người tới xem và họ đứng kín ở hai bên đường từ rất sớm để có thể được nhìn thấy voi Mary cũng như những chú voi khác là Topsy và hai chú voi con Ollie và Mutt. Và lúc này, Red là người cưỡi trên lưng voi Mary và dẫn đầu đoàn voi diễu hành.
Khi Mary vươn vòi định ăn một miếng vỏ dưa hấu, Eldridge dùng gậy sắt chọc mạnh vào sau tai con voi, theo lời kể của nhân chứng W.H. Coleman. Mary nổi giận, dùng vòi cuốn lấy người Eldridge, ném xuống đất và dẫm lên người anh ta. Một số nhân chứng lại nói Mary chỉ dùng vòi quất mạnh vào đầu Eldridge.
Khán giả trở nên hoảng sợ, la hét và vội vã bỏ chạy. Một thợ rèn trong vùng dùng súng lục bắn nhiều phát vào Mary nhưng con voi không hề hấn gì. Sau giây phút giận dữ, Mary đột nhiên bình tĩnh lại, đứng sững và có vẻ bối rối trước tiếng súng cũng như tiếng hô hào của người dân: "Giết con voi, giết con voi!".
Trước cơn giận dữ của đám đông, Charlie Sparks miễn cưỡng quyết định cho công khai hành quyết con voi để nhanh chóng giải quyết tình huống tồi tệ này. Đám đông nhanh chóng đưa ra phán quyết sẽ dùng cần cẩu hạng nặng để treo cổ nó ngay hôm sau.
Giới chức của Kingsport đã đến hiện trường và nhanh chóng "bắt" Mary rồi nhốt cô voi này vào một cái lồng. Vào thời điểm đó, câu chuyện về cái chết thương tâm của Red đã lan truyền với một tốc độ kinh hoàng cả trên báo chí lẫn những truyền miệng, con voi vốn dĩ ngoan ngoãn này bỗng chốc trở thành "Mary sát nhân".
Ngay sau đó, hàng loạt những điểm đến tiếp theo của rạp xiếc đã bị hủy, thậm chí có những thông báo từ các thị trấn khác nói rằng nếu rạp xiếc Sparks vẫn giữ lại Mary, họ cũng sẽ bị từ chối tất cả các buổi biểu diễn của rạp xiếc này.
Hôm đó, trời mưa và có nhiều sương mù. Mary được đưa đến khu đường ray Clinchfield, Unicoi, Tennessee, nơi một đám đông hơn 2.500 người gồm cả trẻ em tụ tập sẵn.
Trên đường, Mary vẫn dẫn đầu 4 con voi khác của đoàn xiếc, mỗi con quấn vòi vào đuôi con đi trước như trong rất nhiều lần diễu hành trước đây. Sparks hy vọng sự hiện diện của chúng sẽ giúp Mary nghe lời. Nhưng khi người ta quấn sợi xích sắt quanh cổ Mary, lũ voi bắt đầu kêu lên thảm thiết khiến ông sợ nó sẽ tìm cách chạy trốn.
Để đề phòng, người ta dùng xích sắt buộc một chân của Mary vào đường ray xe lửa, nhưng họ quên tháo nó ra khi chiếc cần cẩu bắt đầu hoạt động, dần dần nhấc Mary lên cao. Khi cần cẩu nhấc Mary lên khoảng 1,5 mét thì sợi xích đột nhiên bị đứt, con voi rơi thẳng xuống đất và gãy hông.
Mọi người tụ tập xem voi Mary bị xử tử. (Ảnh: Rare Historical Photos).
Các nhân viên đoàn xiếc quấn sợi xích thứ hai quanh cổ Mary và nó lại được nhấc lên lần nữa. Con voi giãy giụa và kêu lên đau đớn trong khi đám đông hò reo bên dưới. Cuối cùng, Mary ngừng cử động, hoàn toàn im lặng. Người ta tiếp tục treo con voi lơ lửng suốt nửa tiếng đồng hồ trước khi bác sĩ thú y tuyên bố nó đã chết.
Đến đêm, một con voi trong gánh xiếc từng sống cùng Mary nhiều năm trốn ra ngoài và chạy về phía khu đường ray, nơi Mary trút hơi thở cuối cùng, nhưng sau đó bị bắt lại và trả về đoàn xiếc.
Khi hình ảnh về cuộc hành hình voi Mary xuất hiện trên mặt báo, nó đã gây tranh cãi rất lớn trong dư luận, nhưng câu chuyện buồn của "Mary Sát nhân" không phải là trường hợp duy nhất. Năm 1903, voi Topsy bị xử tử bằng điện tại New York sau khi giẫm lên ba người điều khiển. Năm 1994, voi Tyke bị cảnh sát Honolulu bắn 87 lần vì chạy trốn khỏi rạp xiếc và giết chết người huấn luyện.
Sau này, cái chết của Mary cùng các trường hợp hành hạ động vật để chúng biểu diễn mua vui khiến nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng. "Mary đơn giản chỉ hành động như một con voi. Chúng vốn đã nguy hiểm rồi, và tôi không đổ tội cho Mary về những gì xảy ra. Những người đưa nó vào rạp xiếc mới có lỗi", Ed Stewart, người đứng đầu tổ chức Performing Animals Welfare Society, nhận xét.