"Vũ khí" bí mật giúp chống lại biến đổi khí hậu

Voi, rái cá và cá voi có một điểm chung. Đó là tất cả đều làm tăng lượng carbon có thể được lưu trữ trong hệ sinh thái của chúng.

Voi phân tán hạt giống và giẫm lên thảm thực vật tầng thấp, tạo điều kiện cho những cây cao hơn phát triển. Rái cá biển ăn nhím biển, giúp tảo bẹ phát triển.

Cá voi kiếm ăn ở độ sâu và giải phóng chất dinh dưỡng khi chúng thở, nghỉ ngơi trên bề mặt, kích thích sản xuất thực vật phù du.


Mỗi con cá voi sinh sống trong đại dương đều là một "nhà máy" thu giữ carbon khổng lồ. (Ảnh: Brandon Cole).

Thế nhưng, không chỉ mang đến 3 lợi ích đó, con người bắt đầu phát hiện ra nhiều loài có tác động phức tạp đến môi trường của chúng, làm thay đổi lượng carbon được lưu trữ bởi hệ sinh thái xung quanh, cuối cùng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Khi quần thể linh dương đầu bò ở Serengeti giảm mạnh do dịch bệnh, chúng không còn được chăn thả nhiều và cỏ mọc gây ra các đám cháy thường xuyên, dữ dội hơn. Việc kiểm soát dịch bệnh, tăng số lượng linh dương đầu bò, vì vậy, đồng nghĩa các đám cháy ngày càng ít hơn.

Tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng giảm cũng đồng nghĩa Serengeti có thể chuyển từ giải phóng sang lưu trữ carbon.

Đây là ví dụ có trong một bài báo mới vừa được xuất bản trên tạp chí Nature. Nó cho thấy rằng động vật giúp hệ sinh thái lưu trữ carbon hiệu quả hơn, thông qua việc ăn uống, di chuyển, giẫm đạp, đào bới, xây tổ và thậm chí là phóng uế.

Tiềm năng to lớn

Báo cáo mới được công bố cho biết, việc khôi phục và bảo vệ vai trò chức năng của động vật trong hệ sinh thái là một giải pháp biến đổi khí hậu bị bỏ qua, theo Mongabay.

“Việc bảo tồn động vật hoang dã, cho phép các loài đóng vai trò chức năng trong hệ sinh thái, mang lại tiềm năng chưa được khai thác như một giải pháp cho biến đổi khí hậu”, Andrew Tilker, đồng tác giả báo cáo, điều phối viên bảo tồn loài tại tổ chức phi chính phủ Re:wild, cho biết.


Một con cá nhà táng và con. (Ảnh: Gabriel Barathieu).

Theo báo cáo, việc tái bảo tồn chỉ 9 loài động vật hoang dã hoặc nhóm loài (voi rừng châu Phi, bò rừng Mỹ, cá, sói xám, bò xạ hương, rái cá biển, cá mập, cá voi và linh dương đầu bò) sẽ đóng góp hơn 95% cho mục tiêu toàn cầu là loại bỏ 500 tỷ tấn carbon dioxide từ khí quyển vào năm 2100.

Điều này sẽ giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, như được kêu gọi trong thỏa thuận Paris.

Xem xét một loạt nghiên cứu khác nhau, báo cáo kết luận rằng động vật hoang dã chỉ chiếm 0,3% lượng carbon trong tổng sinh khối toàn cầu, nhưng có thể gây ra sự khác biệt 15-250% lượng carbon có thể được lưu trữ trong một hệ sinh thái nhất định.

Giảm lượng khí thải carbon là một giải pháp không thể chối cãi để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, nhưng ngay cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức, khí hậu sẽ tiếp tục ấm lên do lượng carbon dư thừa đã bị giữ lại trong khí quyển.

“May mắn thay, chúng ta có công nghệ để loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển”, tác giả chính của báo cáo, Oswald Schmitz, giáo sư tại Trường Môi trường Yale, cho biết. “Đó gọi là tự nhiên”.

Bài học quan trọng

Nghiên cứu mới này mang đến những bài học quan trọng về cách con người theo đuổi các giải pháp dựa trên thiên nhiên, Guardian dẫn chia sẻ từ ông Matthew Gould, giám đốc điều hành của Hiệp hội Động vật học London (ZSL)

Theo ông, đầu tiên là tự nhiên có ảnh hưởng. Cụ thể, các cơ chế phức tạp mà tự nhiên đã phát triển có hiệu quả đáng kinh ngạc theo những cách mà con người chưa hiểu hết.

Ông Matthew cho rằng việc bỏ qua những biện pháp đã được chứng minh mà thiên nhiên ban tặng là vô lý. Trọng tâm hiện tại của các giải pháp dựa vào tự nhiên là thực vật, như khôi phục rừng ngập mặn, tảo bẹ và cỏ biển.

Tờ Nature cũng đưa ra ví dụ về Bắc Cực, nơi một lượng lớn carbon được lưu trữ trong lớp băng vĩnh cửu. Đảm bảo có những đàn động vật lớn sẽ giúp giữ carbon ở đó, bằng cách nén chặt tuyết, giữ cho đất đóng băng. Khôi phục các quần thể tuần lộc, ngựa hoang, bò xạ hương và bò rừng Mỹ có thể là một phần quan trọng của nỗ lực đó.


Tuần lộc ở Na Uy. (Ảnh: Piia Kemppinen/Tromsø Arctic Reindeer).

Thứ hai là về công tác bảo tồn. Theo ông Matthew, có nhiều ví dụ về sự thành công của công tác bảo tồn, từ sự trở lại của chim diều đỏ ở Anh cho đến sự phục hồi của những con hổ trên khắp Nepal và Ấn Độ.

“Khi tôi nhận công việc này, một phần nhỏ trong tôi lo lắng rằng làm việc về vấn đề động vật hoang dã là hơi ‘xa xỉ’, giữa lúc biến đổi khí hậu đang gây ra mối đe dọa lớn”, lãnh đạo (ZSL) chia sẻ.

“Bây giờ chúng tôi biết rằng điều ngược lại là đúng. Hiểu được vai trò của động vật trong việc giúp thiên nhiên thu giữ, lưu trữ carbon có ý nghĩa sâu sắc đối với cách chúng ta thực hiện công tác bảo tồn”, ông cho biết.

Theo ông, mô hình bảo tồn cũ - thông qua sự phân biệt, tách thiên nhiên khỏi con người để cho phép nó phát triển - đã cũ. Điều đó đơn giản là không đủ.

“Trọng tâm của chúng tôi là giúp động vật hoang dã và con người cùng tồn tại, bằng cách hỗ trợ giảm xung đột và hợp tác với các cộng đồng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của động vật hoang dã”, ông Matthew cho hay.

Chính cách tiếp cận này đã giúp các cộng đồng địa phương thành lập khu bảo tồn tê tê của riêng họ trên đảo Palawan ở Philippines, đồng thời xác định giải pháp bảo tồn để bảo vệ loài cá mập thiên thần đang bị đe dọa ngoài khơi bờ biển Anh.

Điều đó cũng đúng đối với các thành phố cũng như Serengeti. Giống báo cáo gần đây giải thích, thiên nhiên cũng có thể giúp giảm thiểu tác động của thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực thành thị.

Theo ông, một thế giới nơi động vật hoang dã phát triển mạnh cũng là một thế giới có khả năng phục hồi cần thiết để chống chọi và giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.

“Tương lai của con người gắn bó chặt chẽ với phúc lợi của các loài động vật hoang dã trên thế giới”, ông Matthew chia sẻ. “Nếu chúng ta muốn tự cứu mình, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa việc bảo vệ chúng".

Cập nhật: 04/05/2023 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video