Không chỉ có vẻ ngoài kì lạ - bộ lông mao cùng chiếc mỏ vịt, các nhà khoa học mới phát hiện sữa của thú mỏ vịt có chứa protein có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp tạo ra các loại thuốc chống sự kháng thuốc kháng sinh.
Thú mỏ vịt thật sự là loài sinh vật kì lạ. Chúng là một trong những loài động vật có vú đẻ trứng cuối cùng còn tồn tại. Chân sau của chúng có độc. Và cơ thể lông lá kết hợp với mỏ vịt? Trông chúng như thuộc về cảnh quay lỗi của quá trình tiến hóa.
Và giờ một đặc điểm sinh học kì lạ khác của chúng đang gây hứng thú cho các nhà khoa học: sữa của thú mỏ vịt chứa một loại protein độc nhất vô nhị có thể giúp chúng ta chống lại sự kháng thuốc kháng sinh.
Trong gần 70 năm, kháng sinh đã là phương án điều trị nổi tiếng cho nhiều bệnh, từ bệnh lậu đến viêm phổi. Ta càng sử dụng nhiều kháng sinh, khả năng kháng thuốc kháng sinh của những loại vi khuẩn này càng cao, dẫn tới một số loại “siêu vi khuẩn” không phản ứng lại nhiều loại kháng sinh.
Sữa của thú mỏ vịt chứa các đặc tính kháng khuẩn.
Sự thật đơn giản đó đang đặt hàng triệu tính mạng vào nguy hiểm mỗi năm ở riêng nước Mỹ. Vào năm 2016, Liên Hợp Quốc đã nâng vần đề này lên “mức khủng hoảng”. Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã gọi nó là “mối đe dọa chủ yếu, lâu dài tới sức khỏe con người, sản xuất lương thực bền vững, và sự phát triển”.
Các nhà khoa học ngày càng sáng tạo trong việc tìm kiếm các phương pháp có thể giúp nhân loại chống lại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Vào năm 2010, họ đã phát hiện ra rằng sữa của thú mỏ vịt chứa các đặc tính kháng khuẩn.
Khác các loài động vật có vú khác, cung cấp sữa cho con qua núm vú, thú mỏ vịt “đổ mồ hôi” ra sữa, tiết sữa qua da trên bụng cho con uống. Điều đó khiến thú mỏ vịt con tiếp xúc khá nhiều với thế giới bên ngoài, có thể lí giải tại sao sữa thú mỏ vịt cần có các đặc tính kháng khuẩn.
Để tìm hiểu chính xác điều gì khiến sữa thú mỏ vịt như vậy, một đội ngũ các nhà nghiên cứu đến từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) và Đại học Deakin đã tiến hành tái tạo một trong số các protein trong sữa ở phòng thí nghiệm.
Khi quan sát cấu trúc protein này kĩ hơn, họ đã bất ngờ khi thấy một thứ hoàn toàn độc đáo. Nếp gấp ba chiều khiến protein trông giống một lọn tóc xoăn. Nên các nhà nghiên cứu đã đặt cho protein này cái tên “Shirley Temple”, ám chỉ mái tóc xoăn của nữ diễn viên.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cấu trúc độc đáo này có thể giúp tạo ra các loại thuốc mới hạ được siêu vi khuẩn. Họ đang tìm kiếm các cộng tác viên giúp họ làm thêm nghiên cứu với ý định phát triển nhanh loại thuốc kháng sinh mới.