Vụ phun trào dưới nước lớn nhất lịch sử tạo ra núi lửa mới

Ngọn núi lửa cao 820m hình thành ở vùng biển phía đông đảo Mayotte, Ấn Độ Dương, sau các sự kiện địa chất năm 2018.

Vụ phun trào lớn nhất dưới nước từng ghi nhận đã tạo ra một núi lửa mới cao 820 m dưới đáy biển, gấp đôi tòa nhà Empire State ở New York, Newsweek hôm 1/10 đưa tin. Ngọn núi xuất hiện ở vùng biển phía đông của đảo Mayotte thuộc Pháp, Ấn Độ Dương, sau một sự kiện địa chất làm rung chuyển hòn đảo vào năm 2018. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience.


Bản đồ độ cao năm 2014 (trái) và năm 2019 (phải) cho thấy sự xuất hiện của núi lửa mới gần đảo Mayotte. (Ảnh: Nature Geoscience)

Ngọn núi lửa mới nằm trên một dải đất dài 50km được tạo ra bởi các dòng chảy dung nham. Cấu trúc này nằm giữa vết nứt Madagascar và Đông Phi, có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về những quá trình ảnh hưởng đến hoạt động kiến tạo trên Trái Đất.

"Các vụ phun trào núi lửa định hình bề mặt Trái Đất và cung cấp thêm thông tin về những hiện tượng diễn ra sâu bên trong hành tinh. Đây là vụ phun trào dưới biển lớn nhất từng ghi nhận", nhóm nghiên cứu cho biết.

Các rung chấn bắt đầu vào ngày 10/5/2018. Một trận động đất 5,8 độ xảy ra sau đó 5 ngày. Trưởng nhóm nghiên cứu Nathalie Feuillet, nhà địa vật lý tại Đại học Paris, cùng đồng nghiệp đã đặt một loạt thiết bị công nghệ, trong đó có các địa chấn kế, dưới đáy biển để xác định nguồn gốc của hoạt động địa chấn. Họ cũng khảo sát khu vực này với một thiết bị đo hồi âm sử dụng tín hiệu radar.

Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5/2019, nhóm nghiên cứu phát hiện khoảng 17.000 sự kiện địa chấn ở độ sâu khoảng 20 - 50km dưới đáy biển, sâu hơn phần lớn các trận động đất. Khi tìm kiếm với tần số thấp hơn, họ phát hiện thêm 84 sự kiện khác.

Dữ liệu thu được giúp nhóm nghiên cứu liên kết các sự kiện và suy luận ra cách núi lửa mới hình thành. Họ tin rằng các quá trình kiến tạo có thể đã làm tổn hại phần rắn bên ngoài của Trái Đất gồm lớp vỏ và lớp phủ gọi là thạch quyển. Điều đó khiến các bể magma bên dưới lớp này dâng lên các lớp trên và khiến những đứt gãy tồn tại sẵn trong lớp phủ được kích hoạt trở lại. Chúng gây ra nhiều trận động đất, khiến magma chảy tới đáy biển và phun trào, tạo ra hơn 4 km3 dung nham và một ngọn núi lửa mới.

Tháng 5/2021, khi nhóm nhà khoa học bắt đầu viết nghiên cứu, những trận động đất vẫn tiếp diễn và đáy biển tiếp tục biến dạng. Ngoài việc tạo ra núi lửa mới, sự kiện còn đánh dấu lần đầu tiên đo được động đất ở ngoài khơi đảo Mayotte kể từ năm 1972. Hoạt động núi lửa gần đây nhất trong vùng cũng xảy ra 4.000 - 6.000 năm trước.

"Các tình huống có thể xuất hiện trong tương lai là một miệng núi lửa mới sụp xuống, các vụ phun trào dưới biển ở sườn dốc trên hoặc trên bờ xảy ra. Những dòng dung nham lớn cùng nón núi lửa ở sườn dốc trên và ở đảo Mayotte cho thấy điều này đã xảy ra trong quá khứ", nhóm nghiên cứu kết luận.

Cập nhật: 04/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video