Vụ phun trào núi lửa từng khiến Trái đất không có mùa hè

Vụ phun trào núi lửa Tambora ở Indonesia năm 1815 khiến Trái đất chìm trong khí hậu lạnh suốt thời gian dài, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề.

Các vụ phun trào núi lửa có thể làm thay đổi khí hậu Trái đất. Trong những vụ phun trào lớn, lượng tro núi lửa khổng lồ giải phóng vào tầng thượng quyển, hình thành một màn che ngăn ánh sáng Mặt trời và nhiệt truyền xuống Trái đất. Ngoài ra, khí gas núi lửa như lưu huỳnh dioxide có hiệu ứng làm mát, trái ngược với khí nhà kính như carbon dioxide.


Vùng hõm chảo của núi lửa Tambora. (Ảnh: Amusing Planet).

Khi phun trào năm 1815 trên đảo Sumbawa ở Indonesia ngày nay, núi lửa Tambora phun ra ước tính 120 triệu tấn lưu huỳnh dioxide cao 40km vào không trung. Lưu huỳnh dioxide chuyển thành một loại aerosol axit lưu huỳnh mịn và bao trùm phần lớn Trái đất trong vòng vài tuần. Lớp aerosol phản chiếu bức xạ từ Mặt trời vào không gian, tạo ra hiệu ứng mát mẻ trên toàn thế giới. Năm sau đó là một trong những năm lạnh nhất trong lịch sử.

Vụ phun trào Tambora là vụ phun trào núi lửa mạnh nhất mà nhân loại từng chứng kiến. Vụ phun trào bắt đầu vào ngày 5/4/1815 và kéo dài 4 tháng tiếp theo. Trong suốt thời gian đó, ngọn núi lửa phun ra hơn 150km3 đá và magma, tạo ra hõm chảo đường kính 7km. Ngọn núi ban đầu có đỉnh cao 4.300m sụp xuống còn 2.850 m.

Hậu quả từ vụ phun trào vô cùng thảm khốc. Đá bọt và tro bụi trút xuống khu vực trong nhiều tuần, lan xa tới tận Nam Sumatra và Borneo ở cách đó 1.300km. Toàn bộ hòn đảo bị bao phủ bởi tro bụi và luồng mạt vụn núi lửa sâu tới một mét, phá hủy nhà cửa, hoa màu và bật gốc cây cối. Đá bọt rơi xuống biển hình thành bè mảng có bề ngang lên tới 5km. Những bè mảng này trôi nổi ngoài khơi, va chạm với tàu Anh ở cách đó 3.600km. Các hạt tro mịn lơ lửng trong khí quyển vài năm, tạo ra hoàng hôn và chạng vạng màu sắc rực rỡ, có thể nhìn thấy từ nơi xa như London.

Hậu quả trực tiếp của vụ phun trào là nạn đói do mùa màng bị phá hủy, kèm theo đủ loại dịch bệnh, đặc biệt là tiêu chảy do uống nước ô nhiễm. Nạn đói nghiêm trọng tới mức người dân ở Sumbawa buộc phải ăn lá khô và củ dại có độc. Nhiều người phải bán con để đổi gạo. Khoảng 48.000 người ở Sumbawa và 44.000 ở Lombok tử vong. Hàng chục nghìn người chuyển tới Java, Bali và Nam Sulawesi để thoát khỏi nạn đói.

Ảnh hưởng của vụ phun trào không chỉ giới hạn ở Indonesia. Thời tiết lạnh trái mùa làm chết cây cối, lúa và động vật ở phương bắc như Trung Quốc và Tây Tạng. Ngập lụt tàn phá nhiều hoa màu còn sót lại. Ở Đài Loan, nơi có khí hậu nhiệt đới, tuyết rơi ở nhiều thành phố. Tại châu Âu, nhiệt độ thấp và mưa lớn dẫn tới mùa màng thất thu trên khắp lục địa, gây nên nạn đói nghiêm trọng ở Ireland và Wales. Dịch sốt phát ban hoành hành ở nhiều nơi tại châu Âu, bao gồm Ireland, Italy, Switzerland, và Scotland, càng trầm trọng hơn khi kết hợp tình trạng suy dinh dưỡng do năm không có mùa hè gây ra.

Nhiệt độ giảm mạnh ở Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng đông bắc nước Mỹ và Canada. Vào mùa xuân và mùa hè, có một trận sương mù khô kéo dài làm mờ ánh sáng Mặt trời đến mức có thể nhìn thấy những vệt đen Mặt trời bằng mắt thường. Sương giá và tuyết rơi ở các khu vực cao thuộc New Hampshire, Maine, Vermont, và bắc New York vào giữa mùa hè. Thời tiết lạnh phá hủy phần lớn hoa màu ở Bắc Mỹ dẫn tới giá cả tăng cao. Tại Canada, Quebec cạn kiệt bánh mỳ và sữa.

Dù ngày nay, các nhà khoa học biết chắc hiện tượng thời tiết toàn cầu, khí hậu lạnh và mùa màng thất thu là kết quả trực tiếp của vụ phun trào Tambora, quá trình xâu chuỗi những manh mối mất hàng thập kỷ. Nhà khoa học đầu tiên chỉ ra có mối liên hệ giữa các vụ phun trào núi lửa với nhiệt độ mát hơn trên Trái đất là Benjamin Franklin năm 1783. Vào năm 1914 - 1920, nhà nghiên cứu W.J. Humphreys ở cơ quan khí tượng Mỹ chỉ ra quan hệ giữa thời tiết xấu năm 1816 với vụ phun trào núi lửa Tambora vào năm trước đó.

Cập nhật: 24/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video