Những núi lửa thay đổi lịch sử nhân loại

  •   3,52
  • 4.295

Hoạt động của núi lửa tại Iceland khiến hàng không thế giới lao đao suốt mấy ngày qua, nhưng ảnh hưởng của nó rất nhỏ bé so với nhiều ngọn núi lửa khác trong quá khứ. 

Khói, bụi và nham thạch thoát ra từ miệng núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull vào ngày 17/4. Ảnh: Reuters.


Ngày 12/6/1991, núi lửa Pinatubo trên đảo Luzon của Philippines tỉnh giấc. BBC cho biết, trong suốt những lần phun trào, nó giải phóng một lượng tro bụi có thể tích khoảng 10 tỷ m3 vào không khí. Đây là vụ phun trào núi lửa lớn thứ hai trong thế kỷ 20.

Khi bay tới tầng bình lưu của khí quyển, tro bụi có thể gây nên tác động ngắn hạn đối với khí hậu trái đất vì nó chặn một phần ánh sáng mặt trời khiến nhiệt độ trên mặt đất giảm. Theo BBC, hoạt động của núi lửa Pinatubo khiến nhiệt độ trung bình trái đất giảm từ 0,4 tới 0,5 độ C.

Ngoài ra, tro bụi núi lửa còn làm giảm chất lượng không khí, gây nên vô số vấn đề về sức khỏe.

Lịch sử còn ghi nhận nhiều vụ phun trào núi lửa khủng khiếp hơn. Khi một núi lửa trên đảo Krakatoa của Indonesia phun trào vào năm 1883, nó gây nên sóng thần khiến hàng nghìn người thiệt mạng, 2/3 diện tích đảo bị phá hủy. Đáy đại dương cũng thay đổi sau đợt phun trào này. 

Cột khói bụi khổng lồ bốc lên từ núi lửa Pinatubo trên đảo Luzon của Philippines vào năm 1991. Ảnh: andaman.org.


Tuy nhiên, mức độ khủng khiếp của Krakatoa chẳng là gì nếu so sánh nó với vụ phun trào núi lửa Tambora trên đảo Sumbawa, Indonesia vào năm 1815. Đó là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại. Những dòng sông nham thạch nóng thoát ra khỏi miệng núi có độ cao khoảng 4.000 m, giết chết ngay lập tức khoảng 10.000 người. Núi lửa phun ra một lượng tro, bụi, nham thạch và khí có tổng thể tích vào khoảng 50 tỷ m khối. Một lượng khí sulphur dioxide (SO2) khổng lồ cũng bay vào khí quyển.

BBC cho biết, đám mây bụi từ núi lửa Tambora khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4 tới 0,7 độ C. Một năm sau đó, nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ không có mùa hè. Sương giá khiến mùa màng tại Canada và vùng New England của Mỹ thất bát. Châu Âu cũng khốn đốn vì sự suy giảm nhiệt độ.

Hậu quả của núi lửa Tambora cũng để lại dấu ấn trong khoa học và nghệ thuật. Giới khoa học cho rằng đám mây bụi từ núi lửa Tambora là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhiều bức tranh tả cảnh hoàng hôn khá lạ lùng của Joseph Mallord William Turner (1775-1851), một danh họa nổi tiếng người Anh.

Tại châu Âu, giá yến mạch – được dùng làm thức ăn cho ngựa – tăng vọt khiến nhà phát minh người Đức Karl Drais tạo ra một dạng phương tiện giao thông không cần sức ngựa: xe đẩy chân. Đây được coi là “tổ tiên” của xe đạp.

Nếu ngược dòng thời gian thêm nữa, tới một thời điểm cách đây khoảng 70.000 năm, chúng ta sẽ thấy một siêu núi lửa từng đe dọa sự tồn vong của loài người. Đó là núi lửa Toba trên đảo Sumatra của Indonesia.

Sau khi siêu núi lửa Toba thức giấc, thế giới trải qua một mùa đông dài tới 6 năm. Sau đó tình trạng băng giá vẫn tiếp tục thống trị địa cầu thêm khoảng 1.000 năm nữa. Những siêu núi lửa thường giải phóng một lượng vật chất có thể tích từ 1.000 tỷ m khối trở lên. Giới khoa học cho rằng sự phun trào của Toba khiến thực vật tuyệt chủng hàng loạt và nhiều loài động vật chết đói vì không có thức ăn. Các nhà sinh học còn tìm thấy bằng chứng cho thấy núi lửa Toba còn tác động tới ADN của người. Cụ thể, số lượng đột biến trong ADN giảm mạnh trong giai đoạn sau khi núi lửa phun trào.

Theo tính toán của nhiều nhà nghiên cứu, số lượng con người trên địa cầu sau thảm họa này chỉ vào khoảng 5.000 - 10.000, khiến chủng Homo sapiens đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng một số nhà khoa học cho rằng chính nguy cơ tuyệt chủng buộc con người phải trở lên thông minh và khéo léo hơn để có thể tồn tại. Chẳng hạn, tổ tiên của chúng ta biết cách chế tạo công cụ và vẽ tranh trên đá sau khi núi lửa Toba hoạt động.

Tiếp tục ngược dòng thời gian thêm nữa, chúng ta sẽ gặp một ngọn núi lửa từng gây tuyệt chủng hàng loạt trên trái đất cách đây khoảng 200 triệu năm. Nó tiêu diệt tất cả đối thủ cạnh tranh của khủng long, đưa loài này lên vị thế thống trị địa cầu trong suốt hàng trăm triệu năm.

Một ngọn núi lửa phun trào cách đây 250 triệu năm cũng gây nên tình trạng tuyệt chủng hàng loạt.

Ngày nay, những siêu núi lửa như Toba vẫn còn là hiểm họa. Các chuyên gia về núi lửa vẫn tiếp tục theo dõi chúng, song họ hầu như không thể dự đoán chính xác thời điểm chúng sẽ phun trào.

Theo VnExpress
  • 3,52
  • 4.295