Hiện tượng quang học dưới nước hiếm có này khiến nhiều người liên tưởng đến những hình ảnh chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Quang học trong thiên nhiên là một hiện tượng khoa học vô cùng thú vị và tuyệt vời. Chúng ta đã quá quen với cái tên "Nothern Lights" hay còn gọi là cực quang biến bầu trời vùng cực Bắc thành màn biểu diễn ngoạn mục. Tuy nhiên, không cần phải tốn công đi xa như vậy, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức vẻ đẹp ấy của thiên nhiên tại một vùng biển ngoài khơi bờ biển bang Tasmania, tiểu bang được ví là thiên đường của đất nước Australia.
Hồi đầu năm nay, cộng đồng mạng, đặc biệt là những người yêu du lịch, yêu khám phá thiên nhiên, đã truyền tay nhau rất nhiều hình ảnh về hiện tượng quang học tự nhiên hiếm gặp và tuyệt vời xảy ra ở một vùng biển phía Tây Australia. Trong những bức ảnh, người ta có thể thấy cả một vùng biển loang lổ những cụm nước như có khả năng phát ra ánh sáng rất kỳ diệu.
Khi bạn ném một viên đá xuống nước, lập tức vùng nước đó sẽ chuyển màu xanh và rồi lại tan ra.
Kể cả bước chân xuống nước.
Nước đột ngột chuyển thành màu xanh lam kỳ diệu như có phép màu.
Giải thích về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, các nhà khoa học cho biết những đốm sáng này xuất hiện là do sự tập trung của hàng tỷ các tảo đơn bào và sinh vật phù du có khả năng phát sáng. Chúng bị xáo trộn bởi các dòng chảy và được đưa vào bờ nhờ những con sóng.
Nhiếp ảnh gia Brett Chatwin, một người đã có khoảng thời gian sống lâu dài tại vùng biển này, là một trong những người may mắn được chứng kiến cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú này. Với ông, đó là lần đầu tiên trong đời ông được tận mắt nhìn thấy hiện tượng như vậy xảy ra trong vùng biển mà ông sống.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc bãi biển đổi thành màu xanh sáng rực.
Nói với trang Advocate trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết: "Thật là tuyệt vời khi được nhìn thấy những ngọn sóng như đang cõng trên lưng ánh điện màu xanh lung linh. Không biết bao giờ hiện tượng này mới xuất hiện nữa nhưng chắc chắn nó sẽ góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương", ông nói thêm.
Vùng biển phát sáng trong đêm.
Dòng hải lưu và sự nóng lên của nước ảnh hưởng đến sự xuất hiện của hiện tượng quang học này.
Giáo sư về thực vật thủy sinh tại trường Đại học Tasmania, ông Gustaaf Hallegraeff, cho biết hiện tượng phát quang sinh học như thế này xuất hiện trở lại vào năm 1860 tại Cảng Sydney sau một quãng thời gian dài biến mất. Đến năm 2000, người ta phát hiện nó "trôi" theo dòng biển về phía Nam, tuy nhiên, bây giờ nó lại xuất hiện tại Tasmania và ở đây trong một thời gian dài.
"Chúng tôi có một số bằng chứng cho thấy rằng các dòng hải lưu và sự nóng lên của nước trong lòng đại dương chính là những yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của hiện tượng quang học dưới nước này, trong khoảng 20 năm nữa, chúng tôi dự đoán, nó sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn", Giáo sư Gustaaf cho biết.