Vương quốc Phù Nam - Quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á biến mất như thế nào?

Dải đất hình chữ S của Việt Nam hiện nay, vào thời cổ đại là chiếc nôi của 3 nền văn minh lớn trải đều 3 miền.

Miền Bắc là nền văn minh Đông Sơn, nền văn minh sau đó trải dài tới mãi hồ Động Đình, sông Dương Tử. Miền Trung là nền văn minh Sa Huỳnh với kỹ thuật luyện kim vượt trội. Còn vùng Nam Bộ là nền văn minh Óc Eo, nơi tạo nên vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á.

Nền văn minh Óc Eo

Theo những khám phá mà các nhà khảo cổ tìm thấy cùng những ghi chép lịch sử thì nền văn minh Óc Eo ban đầu là những thành ấp tự trị cùng chung một nền văn hóa, có niềm tin vào Phật Giáo.

Vào thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, một trong những thành ấp lớn là Koh Thlok trở nên hùng mạnh khi được dẫn dắt bởi nữ hoàng Liễu Diệp.

Theo các sách cổ Trung Hoa như Tấn thư, Nam Tề thư, Lương thư ghi chép lại thì bấy giờ một quý tộc tên là Hỗn Điền ở Ấn Độ được thần báo mộng, nhặt được cây cung ở dưới gốc cây và chỉ hướng đi thuyền lớn ra biển.

Hỗn Điều liền theo đó đem theo 1.000 quân lên thuyền theo đường biển đến Óc Eo chinh phục các thành ấp. Liễu Diệp chống trả nhưng gặp bất lợi và đầu hàng. Hỗn Điền chấp nhận sự đầu hàng rồi cưới Liễu Diệp làm vợ.

Sau khi lấy vợ, Hỗn Điền đưa quân tiếp tục chinh phục các thành ấp còn lại, thống nhất được Óc Eo, lập vương quốc mới với tên gọi là Phù Nam rồi lên ngôi Vua lập ra triều đại Kaudinya. Đặt tên Kinh đô là Đặc Mục (Vyadrapura).

Văn minh phát triển, giao thương khắp thế giới

Người Óc Eo tiếp thu nền văn minh Ấn Độ, giỏi trị thủy, người dân có niềm tin vào Phật Pháp khiến Phù Nam ngày càng văn minh thịnh vượng.

Do nằm ở vị trí giao thông hàng hải quan trọng, Phù Nam trở thành trung tâm thương mại đường thủy ven bờ và phát triển ngày càng thịnh thượng. Nơi đây có con kênh dài 90km đến Angkor Borei (một huyện thuộc tỉnh Takéo phía nam Campuchia). Óc Eo có vị trí rất thuận lợi tại trục đường thương mại giữa biển, một bên là bán đảo Mã Lai cùng Ấn Độ, bên kia là sông Mê Kông cùng Trung Hoa. Vị trí giúp Óc Eo trở thành điểm trung chuyển thuận lợi.


Bia đá cổ được tạo tác vào thời Phù Nam (khoảng thế kỷ 2-3), được tìm thấy ở Đồng Tháp. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy rất nhiều vật phẩm thương mại có giá trị ở nơi đây đến từ Rome, Ấn Độ, Trung Hoa cùng các nước Đông Nam Á như đồng tiền, chuỗi hạt đá quý, thủy tinh, đồ dùng bằng kim loại, trang sức bằng vàng, ngọc, hình chữ Vạn cũng xuất hiện nhiều trên các vật phẩm trang sức bằng vàng.

Những đồng tiền bằng bạc tìm thấy ở Phù Nam cũng tìm thấy ở Mã Lai, Thái Lan, và Miến Điện cho thấy hoạt động thương mại rộng lớn của vương quốc Phù Nam.


Đồng tiền Roma thời Hoàng đế Antonius Pius (trái) được tìm thấy ở Óc Eo. (Ảnh: Ian Glover 1989, Public Domain).

Nhiều tượng Phật cùng các nền tháp, các công trình tâm linh được tìm thấy là bằng chứng cho thấy niềm tin tín ngưỡng của dân cư, cùng với đó là sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc.

Đế quốc hùng mạnh

Theo các sách cổ Trung Hoa ghi chép lại, triều đại Kaudinya kéo dài được khoảng 150 năm. Đến thế kỷ thứ 2 là thời trị vì của vị vua cuối cùng của Triều đại này là Hỗn Bàn Bàn, chính sự do một vị tướng thao túng, sách sử cổ của Trung Hoa là “Lương thư” phiên âm vị tướng này là Phạm Sư Mạn. Sau khi Hỗn Bàn Bàn mất, người dân tôn Phạm Sư Mạn làm Vua, mở ra một Triều đại mới.

Phạm Sư Mạn cho đóng những chiến thuyền lớn đưa đưa quân đi chinh phục các nước lân bang, thu phục và sáp nhập 10 nước láng giềng. Phù Nam trở thành đế quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Lãnh thổ bao gồm vùng Nam Bộ của Việt Nam ngày nay, một phần Mã Lai, toàn bộ vùng đông nam Campuchia (chiếm phần lớn diện tích Campuchia).

Nhờ giao thương với nhiều nước, văn minh Phù Nam cũng ngày càng phát triển. Các vua Phù Nam sau này bang giao với cả Ấn Độ và nhà Tấn của Trung Hoa, nên ngoài ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, Phù Nam cũng tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Chữ viết của người Phù Nam lúc đó là kiểu chữ của Ấn Độ.

Đến thế kỷ thứ 4, Phù Nam được cai trị bởi vương triều Thiên Trúc Chiên Đàn (Chandan). Phù Nam vẫn phát triển ổn định, nhờ sự vững mạnh của mình đã mở rộng thêm lãnh thổ, chiếm trọn vùng đất thuộc Campuchia ngày nay, chiếm cả vùng đồng bằng sông Mênam thuộc Thái Lan ngày nay.

Lúc này Đế quốc Phù Nam có lãnh thổ rộng lớn đến cực điểm, bao gồm toàn vùng Nam Bộ của Việt Nam ngày nay, toàn bộ Campuchia, vùng đồng bằng sông Mênam của Thái Lan, một phần Mã Lai, và một phần Miến Điện.

Cầu nối giữa các nền văn minh trên thế giới

Theo “Lương thư”, đến thế kỷ thứ 5 một người Thiên Trúc là Kiều Trần Như được dân chúng suy tôn lên làm Vua, lập ra vương triều Kaudinya II, thay đổi chế độ nhà nước của Phù Nam sang kiểu Ấn Độ, lấy hai tôn giáo chính là Phật giáo và Bà La Môn làm nền tảng tư tưởng cho cả nước.

Phù Nam tiếp tục phát triển hưng thịnh và trở thành cầu nối giữa các nền văn minh trên thế giới cả phương đông lẫn phương tây như Trung Hoa, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư. Trở thành đế quốc hàng hải hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.

Tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang khi người dân đào kênh xáng Ba Thê đã phát hiện công trình cổ, các nhà khảo cổ học đã xác định có một hải cảng sầm uất của Phù Nam xưa kia.

Bị Chân Lạp thôn tính


Đến thế kỷ thứ 6, Phù Nam xảy ra cuộc chiến quyền lực giữa các hoàng tử.

Lãnh thổ Phù Nam vô cùng rộng lớn, gồm các dân tộc khác nhau, và đương nhiên sẽ dẫn đến bất bình đẳng giữa các sắc tộc.

Đến thế kỷ thứ 6, Phù Nam xảy ra cuộc chiến quyền lực giữa các hoàng tử khiến thế nước dần suy yếu. Người Khmer ở Chân Lạp (Campuchia ngày nay) nhân cơ hội này nổi dậy nhằm giành độc lập cho dân tộc mình, đánh chiếm giành lại đất đai cho người Khmer rồi lan ra các vùng đất vốn thuộc cai quản của Phù Nam.

Vào năm 550, vua Chân Lạp là Trì Đà Tư Na (Citrasena) đem quân tiến đánh vào kinh thành Đặc Mục của Phù Nam. Vua Phù Nam bấy giờ là Lưu Đà Bạt Ma (Rudravarman) không chống đỡ nổi, phải bỏ kinh thành chạy sang thành Na Phất Na (Navanagara)

Kinh thành Đặc Mục vốn là một trong những trung tâm văn hóa của thế giới, nơi hội tụ tinh hoa của cả vùng Đông Nam Á bỗng chốc bị phá hủy bởi người Khmer.

Từ đó Phù Nam suy sụp không gượng dậy nổi, những thuộc quốc cũng ly khai khỏi Phù Nam. Tuy nhiên Phù Nam vốn là đế quốc có nền văn minh lâu đời nên không bị diệt ngay, phải đến thế kỷ thứ 8 (tức 2 thế kỷ sau) Chân Lạp mới dần dần chiếm trọn Phù Nam và sáp nhập vào Chân Lạp.

Phù Nam phát triển rực rỡ nhờ giao thương hàng hải và giỏi trị thủy, nhưng người Khmer lại không giỏi việc này vì thế không kế tục được nhưng ưu thế vốn có mà Phù Nam để lại. Dù Chân Lạp sau này có phát triển nhưng tầm ảnh hưởng cũng chỉ trong khu vực Đông Nam Á, kém xa so với tầm ảnh hưởng thế giới của văn minh Phù Nam.

“Nam Tề thư”, một thư tịch cổ của Trung Hoa, có ghi chép về người Phù Nam như sau:

“Người Phù Nam thường buôn vàng bạc, tơ lụa. Con cái nhà quý tộc thường mặc xà rông bằng lụa the. Đàn bà thì mặc một thứ áo vải luồn qua đầu. Người nghèo thì quấn một mảnh vải thô quanh mình. Họ đúc nhẫn và vòng đeo tay bằng vàng, làm bát đĩa bằng ngọc. Họ đốn cây lấy gỗ làm nhà và rào vườn tược chung quanh nhà. Nhà vua ở trong một nhà lầu có tầng gác. Dọc bờ biển, người ta trồng cây thốt nốt lá dài dùng để lợp nhà. Người ta đóng những chiếc thuyền dài tám, chín trượng, rộng sáu, bảy phần mười trượng. Mũi thuyền và lái thuyền giống như đầu và đuôi cá. Nhà vua ngự trên mình voi. Đàn bà có thể cưỡi voi đi. Họ thích chơi chọi gà…”.

Cập nhật: 24/06/2024 Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video