Làm thế nào cừu giải quyết bộ lông của nó nếu không được cắt bởi con người?

Nếu không được con người cạo lông thì liệu lũ cừu sẽ tự xử lý lông của nó như thế nào? Mình chợt nhớ lại vụ một chú cừu được giải cứu với bộ lông khổng lồ, không cứu kịp sẽ chết và từ đây tìm hiểu thêm về chuyện cừu có tự thay lông hay không hay bắt buộc phải có con người cắt lông.

Chuyện là hồi tháng 12 năm 2015 tại Canberra, Úc, một chú cừu tên Chris đi lạc và khi được một người leo núi phát hiện, nó có bộ lông khổng lồ che hết cả mắt. Chris nhanh chóng được cắt lông và người ta đã thu được bộ lông nặng đến 40 kg. Phải mất đến 45 phút để dỡ bộ lông ra khỏi Chris trong khi bình thường quy trình cắt lông chỉ mất khoảng 30 giây. Vậy tại sao chú cừu Chris lại không rụng lông mà phải "chịu trận" với bộ lông khổng lồ như vậy.

Chris là một con cừu Merino tức là giống cừu chuyên cho lông làm len và len từ lông cừu Merino thì nổi tiếng về độ mềm. Merino là giống cừu cho giá trị kinh tế cao nên được nuôi nhiều tại châu Âu và Úc.

Vào thế kỷ 13 và 14, những người chăn cừu Tây Ban Nha đã cho cừu bản địa lai với giống cừu Anh và kết quả là Merino - một giống cừu không phù hợp để sống trong tự nhiên. Do giống cừu này không thể tự rụng lông theo kỳ mỗi năm - một đặc điểm sinh tồn quan trọng đối với cừu trong tự nhiên nên cừu Merino không thể sống thiếu con người. Chúng cần con người cắt lông, mỗi con có thể cho từ 4,5 - 20 kg lông mỗi năm.

Chính vì là một con cừu giống Merino nên Chris gặp vấn đề: nó bị lạc trong thiên nhiên hoang dã đến 5 năm và bộ lông thì không ngừng phát triển. Đây chính là điều mà mọi người nông dân nuôi cừu mong muốn nhưng là thảm họa với chính những con cừu. Bộ lông dày không được cắt tỉa khiến một con cừu Merino như Chris có thể chết bởi nguy cơ nhiễm bệnh hay thậm chí là không thể đi vệ sinh.

Chuyện cừu Merino lạc trong tự nhiên không hiếm, năm 2004 thì một con cừu tên Shrek cũng đã được tìm thấy sống một mình trong một hang động ở New Zealand trong 6 năm. Shrek mang trên mình bộ lông nặng 27 kg.

Vậy ra những con cừu mà chúng ta thấy với bộ lông xù ngộ nghĩnh hóa ra là cừu Merino - một giống cừu chuyên cho lông và là sản phẩm lai tạp được tạo ra bởi con người. Chắc mấy con cừu ngố trong Shaun the Sheep cũng thuộc giống Merino.

Vậy những con cừu khác thì sao, liệu chúng có tự thay lông hay phải cần đến con người cắt?

Cừu được con người thuần hóa từ khoảng 11.000 - 9.000 năm trước công nguyên, bắt đầu từ loài cừu Mouflon hoang dã ở vùng Mesopotamia - một vùng đất ở Tây Á nay bao gồm, Iraq, Kuwait, phía đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực dọc theo biên dưới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, Iran - Iraq. Cừu cũng là một trong những loài động vật đầu tiên được con người thuần hóa. Người Ba Tư đã nuôi cừu để lấy thịt, sữa và da và đến khoảng 6.000 năm trước công nguyên thì cừu được nuôi lấy lông làm len. Con người bắt đầu lấy lông cừu vì mục đích sinh tồn, thứ giúp giữ ấm để con người có thể vượt qua mùa đông khắc nghiệt. Sợi thực vật thì không ấm và không thấm nước, da động vật thì không mềm và cũng không cách nhiệt tốt. Len từ lông cừu đã trở thành một phần trong văn hóa Ba Tư và là một sản phẩm thương mại đặc trưng. Từ đây thì len cừu được xuất khẩu sang châu Phi và châu Âu, giờ thì trở thành một loại sợi rất quan trọng đối với con người, nó tự nhiên, có thể tái sử dụng, có thể phân hủy.

Và trước khi có máy móc hiện đại để cắt tỉa lông như giờ thì thời xưa với những giống cừu nguyên thủy, người ta lấy lông bằng cách "nhổ" bằng tay hoặc thu hoạch trên cánh đồng khi lông cừu rụng tự nhiên. Từ đó đến nay, con người đã lai tạo ra nhiều giống cừu để phục vụ cho nhiều mục đích như lấy lông, lấy thịt, lấy sữa.

Những giống nuôi lấy lông đa phần chỉ phù hợp môi trường nông trại bởi chúng đã được lai tạo để có bộ lông phát triển quanh năm - hay nói cách khác, chúng không thể sống mà thiếu bàn tay con người. Mỗi giống cừu lại có đặc điểm bộ lông khác nhau và để làm ra những loại len sợi khác nhau. Bên cạnh Merino thì có rất nhiều giống chuyên cho lông làm len như cừu Romney, cừu Lincoln với bộ lông dài nhất và nặng nhất để kéo sợi, dệt (ảnh trên), cừu Teeswater với bộ lông dài đường kính sợi lớn, cừu Leicester lông dài, cừu Corriedale lai giữa cừu Merino và Lincoln …

Chỉ có một số giống cừu nguyên thủy vẫn giữ được đặc tính thay lông tự nhiên và vẫn đang được chăn nuôi. Điển hình là những giống cừu bán hoang dã gốc Scotland như cừu Boreray chủ yếu lấy thịt, thay lông tự nhiên hay giống cừu Soay với bộ lông sẫm màu đặc trưng, tự thay lông (ảnh trên).

Ngoài ra, nhiều giống cừu được lai tạo để chỉ cho thịt và sữa thành ra bộ lông của chúng không phát triển như cừu Merino. Chẳng hạn như cừu lông ngắn Katahdin nguồn gốc tại bang Maine, Hoa Kỳ, cừu Dorper gốc Nam Phi, cừu Blackbelly họ hàng với cừu núi hoang dã tìm thấy tại lưu vực Địa Trung Hải, cừu nhỏ Croix, cừu đầu đen Ba Tư phổ biến tại châu Phi và rất nhiều giống cừu châu Phi khác với lông ngắn, mềm để thích nghi với môi trường như cừu lùn Tây Phi, cừu đỏ Maasai, …

Tóm lại là cừu đã sống gần gũi với con người từ rất lâu và với những bạn cừu nuôi lấy lông thì làm ơn đừng đi lạc nhé, không có con người cắt lông thì khỏi đi ị luôn đó. Chú cừu Chris với bộ lông đến 40 kg đã lập kỷ lục thế giới về "Bộ lông cừu nặng nhất được cắt ra từ một con cừu". Đáng buồn là Chris đã chết hồi tháng 10 năm ngoái, nó được gần 10 tuổi. Mọi người nhớ đến Chris là một chú cừu kiên cường bởi nó đã sống một mình giữa đám chuột túi với bộ lông nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể trong liên tục 5 năm.

Cập nhật: 28/07/2024 Tinh tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video