Quỹ Bảo tồnThiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF) vừa đưa ra một báo cáo cảnh báo sự thu hẹp dần diện tích của các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn cầu do các tác động bất hợp lý của con người, trong đó có Việt Nam.
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu (Vườn Quốc gia Cát Tiên) (Ảnh: nea.gov) |
Do đó để bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, WWF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách và các cộng đồng dân cư cần sớm có cách cư xử đúng đắn với nguồn tài nguyên này.
Theo Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện đã xác định được 68 khu đất ngập nước có giá trị kinh tế và bảo vệ bền vững môi trường sống, đặc biệt đây là nguồn cung cấp và trữ nước ngọt chủ yếu cho người dân các địa phương. Tuy nhiên, các khu đất ngập nước này đang dần bị thu hẹp do hạn hán và đang bị khai thác quá mức phục vụ các mục đích sử dụng không bền vững của con người.
Cục Bảo vệ môi trường cho biết, hệ thống các khu đất ngập nước của Việt Nam bao gồm diện tích các sông, hồ, rừng ngập mặn, bãi triều, vùng vịnh ven bờ, là nơi sinh sống của trên 2.600 loài thuỷ sinh vật, có tác dụng điều hoà nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và môi trường phát triển các nguồn lợi thuỷ sản, lâm nghiệp.
Các nhà khoa học đã tính toán được 1ha rừng ngập mặn có thể làm giảm được trên 90 tấn khí CO2/năm cho môi trường sống; 1ha đất ngập nước tại các vùng cửa biển, đầm phá, bãi triều có khả năng sinh lợi gần 4.600 USD/năm. Đây là những nguồn lợi kinh tế, môi trường khổng lồ đối với người dân các địa phương nếu biết khai thác hợp lý.