Xác ướp "Quý bà bí ẩn" có nhiều dấu vết giống bệnh nhân mắc ung thư vòm mũi họng ngày nay.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân cái chết của "Quý bà bí ẩn", một xác ướp Ai Cập 2.000 năm với phôi thai chưa chào đời được bảo quản cực tốt. Khi xem xét hộp sọ của xác ướp, họ nghi ngờ người phụ nữ nhiều khả năng chết do ung thư.
Xác ướp người phụ nữ mang thai đặt cạnh quan tài. (Ảnh: Dự án xác ướp Warsaw)
Vào thế kỷ 19 và 20, xác ướp này được cho là thuộc về một thầy tu. Tuy nhiên, dự án xác ướp Warsaw hé lộ người chết là phụ nữ. Đặc biệt, đây cũng là trường hợp xác ướp mang thai đầu tiên. Đầu năm nay, ảnh chụp cắt lớp của "Quý bà bí ẩn" cung cấp thêm bằng chứng cho thấy khoang chậu của hài cốt chứa phôi thai. Phôi thai này được "muối" bởi môi trường axit cao và nồng độ oxy thấp của tử cung xác ướp nên ở trong tình trạng cực kỳ tốt.
Các nhà nghiên cứu trong dự án tiếp tục tìm hiểu người phụ nữ trẻ chết như thế nào. Những ảnh chụp khác với hộp sọ của xác ướp hé lộ nhiều dấu vết khác thường trong xương, chứng tỏ người phụ nữ mắc bệnh ung thư. Dấu vết trên hộp sọ giống dấu hiệu bác sĩ ngày nay thường thấy ở bệnh nhân bị ung thư vòm mũi họng, một dạng ung thư hiếm gặp tác động tới phần họng nằm giữa vùng sau mũi và sau miệng.
"Trong ảnh chụp cắt lớp vi tính có một thay đổi bệnh lý nhỏ đường kính khoảng 7 mm, đó là tổn thương hình tròn xung quanh khoang rỗng ở xương phía sau hốc mắt trái. Nhiều khả năng đây là thay đổi do khối u, có thể khu vực di căn", Wojciech Ejsmond, giám đốc dự án khảo cổ Gebelein kiêm đồng giám đốc dự án xác ướp Warsaw, cho biết.
Ejsmond giải thích loại thay đổi này ở xương hộp sọ xảy ra sau u tuyến, kiểm tra mô bệnh học sẽ cung cấp câu trả lời rõ ràng. Ngoài ra, có những lỗ hổng ở xương mặt, bao gồm khoang mũi, xoang hàm trên và xương vòm họng. Thay đổi ở xương sọ mặt tương đồng với triệu chứng ung thư vòm mũi họng ở bệnh nhân ngày nay.
Để xác nhận chẩn đoán ung thư, nhóm nghiên cứu cần kiểm tra mô của xác ướp. Nhận dạng ung thư trong mô thật cho phép các bác sĩ chuyên gia phát hiện "dấu vết phân tử" của ung thư tìm thấy trên xác ướp, sau đó so sánh với bệnh ung thư hiện nay, từ đó tìm hiểu quá trình tiến hóa của ung thư.
Giới nghiên cứu từng tìm thấy nhiều xác ướp cổ xưa có dấu hiệu ung thư trong cơ thể. Năm 2017, các nhà khoa học phát hiện trường hợp mắc ung thư vú cổ nhất thế giới và và đa u tủy xương trên hai xác ướp có niên đại năm 2000 và 1800 trước Công nguyên, ở nghĩa trang Qubbet el-Hawa tại Aswan. Nhiều khả năng xác ướp thuộc tầng lớp quý tộc thống trị Ai Cập cổ đại