Việc tiếp nhiên liệu trong không trung vốn đã không hề đơn giản, và trong trường hợp một chiếc trực thăng vận tải hạng nặng đang phải cẩu theo xe ô tô thì sẽ càng phức tạp hơn nữa.
Trên thực tế, công nghệ tiếp nhiên liệu trên không đã được sử dụng từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Nó giúp cho ngành hàng không vượt qua các giới hạn, đưa những phương tiện bay đi xa hơn và cải thiện rõ rệt sức mạnh của lực lượng không quân, giúp mở rộng phạm vi chiến đấu trực tiếp. Chính vì thế, tiếp nhiên liệu trên không đã trở thành một ứng dụng vô cùng quan trọng trong công nghệ hàng không và không quân ở nhiều quốc gia.
Tiếp nhiên liệu trên không đã trở thành một ứng dụng vô cùng quan trọng trong công nghệ hàng không.
Thế nhưng, công nghệ tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay trực thăng vẫn còn rất hiếm. Hiện tại mới chỉ có một bộ phận nhỏ các máy bay trực thăng thuộc lực lượng không quân Mỹ được trang bị thiết bị tiếp nhiên liệu trên không.
Về nguyên tắc có thể tóm tắt ngắn gọn như sau:
Chiếc máy bay vận tải Hercules bay phía trước sẽ thả đường ống tiếp nhiên liệu ra ngoài. Phía đầu vòi có một ống ngoàm hình phễu và có hệ thống van đóng mở tự động. Phi công bay sau sẽ điều khiển chiếc trực thăng để đưa đoạn vòi dài khoảng 2m cắm vào đầu hình phễu. Khi đó, máy tính sẽ tính toán thời gian hợp lý để đóng mở van tiếp nhiên liệu. Trong suốt thời gian đó, hai chiếc máy bay phải luôn bay cùng vận tốc và giữ khoảng cách an toàn.
Trực thăng Sikorsky CH-53E Super Stallion tiếp nhiên liệu trên không, bên dưới là chiếc Hummer nặng 2 tấn.
Nghe thì tưởng đơn giản, thế nhưng trên thực tế thì ngay việc tiếp nhiên liệu trên không đã rất khó, và với máy bay trực trăng thì nguy cơ mất an toàn còn cao hơn. Chưa nói đến xác suất va chạm giữa hai chiếc máy bay, chỉ riêng chiếc vòi bơm cũng rất dễ bị cánh quạt trực thăng đang quay với tốc độ cao chém đứt.
Trong đoạn video dưới đây chúng ta sẽ thấy mức độ phức tạp được đẩy lên đến đỉnh điểm khi bên dưới gầm chiếc trực thăng Sikorsky CH-53E Super Stallion của Thủy quân lục chiến Mỹ còn đang treo lơ lửng một chiếc Hummer nặng không dưới 2 tấn, thêm vào đó là tình trạng tròng trành lắc lư không thể tránh khỏi đối với các phương tiện bay khi gặp mây.
Thế mới thấy, khi ta xem qua màn hình thì mọi thứ thật là dễ dàng và đẹp đẽ, còn lưng của người phi công trong lúc đó có thể đang ướt đẫm mồ hôi.