Số phận của Potosi, một xóm nhỏ cheo leo 4000m trên dãy núi Andes đã thay đổi hẳn bắt đầu từ thập kỷ 1540 với việc khai thác ráo riết mỏ bạc ở đây, mỏ bạc lớn nhất Tân thế giới. Đến thế kỷ XVII, Potosi đã có 160.000 người khẩn hoang và 13.500 người da đỏ làm việc dưới hầm mỏ theo chế độ khổ sai Mita.Việc khai thác mỏ chỉ giảm chậm đi sau khi Bolivie độc lập năm 1825, đã để lại những dấu vết đặc sắc tại thành phố và trong vùng lân cận: Những đập điều khiển việc cung cấp làm chạy các nhà máy nghiền quặng và hệ thống mỏ của nhà vua, mỏ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trong 5000 mỏ trên cao nguyên và dưới thung lũng.
Trong thành phố có những công trình theo phong cách Baroque pha các ảnh hưởng của người da đỏ đã lan tràn ra khắp miền trung vùng núi Andes: Khoảng hai chục ngôi nhà thờ, những biệt thự nguy nga của giới quý tộc tương phản với những rancherias nghèo khổ ở khu dân cư bản địa, và Sở đúc tiền của nhà Vua với con dấu đã được đóng lên hàng nghìn tấn bạc từng làm cho Potosi trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế châu Âu thế kỷ XVII và XVIII.
Trong hơn 10 năm qua, Unesco và UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) đã giúp nhà cầm quyền Bolivie bảo vệ Potosi. Việc liệt kê các công trình đã được tiến hành với các cuộc khảo cứu lịch sử. Potosi được ghi vào Danh sách di sản thế giới năm 1987.