Trần Quang
Có những sự thật kỳ dị đến nỗi chúng ta có thể lấy làm đề tài cho một bộ phim khoa học viễn tưởng. Tạp chí "Phenomenon" (Hiện tượng kỳ lạ) của Nga đã đăng câu chuyện kỳ dị này với lời dẫn rằng: "Chúng tôi chưa thể kiểm tra được độ chính xác tuyệt đối của câu chuyện nhưng vẫn quyết định đăng, không phải vì chạy theo chuyện giật gân mà vì thấy vấn đề rất nghiêm chỉnh. Thiên nhiên bị ô nhiễm bởi đủ thứ chất thải, đang ẩn chứa những nguy cơ đe dọa tất cả chúng ta, đó là sự xuất hiện vào bất cứ lúc nào của những vi sinh vật cực kỳ nguy hiểm mà chúng tôi gọi là quái vật siêu nhỏ”.
Tai họa bắt đầu
Vào một ngày cuối xuân, ngư dân bên hồ Baikan (vùng Xibia) bỗng kinh ngạc khi phát hiện thấy trên mình những con cá họ vừa đánh được có đầy những lỗ nhỏ, trông giống như là chúng vừa mới bị ai đó dùng khoan máy khoan vào mình cho đến chết.
Hồ bị ô nhiễm (Ảnh: SK & ĐS) |
Hiện tượng tương tự lại xảy ra với những con cá thí nghiệm loại lớn. Còn đối với một con cá nhỏ, chỉ sau một đêm, những vi sinh vật trong bình đã "tiêu hóa" hết sạch, đến nỗi không còn một tý xương tý vảy nào.
Vì tò mò, một nhà sinh vật học đã thò tay vào lọ. Ngay lập tức ông ta thét lên và rút tay ra. Một mảng da bong theo, treo lủng lẳng. Sau vụ này, các nhà khoa học liền đặt cho nó cái tên là "nấm quỷ" và dán lên thành lọ hình chiếc đầu lâu xương chéo.
Sau đó người ta mang một phần nấm đi làm lạnh ở -18 độ C. Sau 3 giờ để ở nhiệt độ bình thường, nấm tan giá, biến thành thứ bột nhão. 5 ngày sau, nấm sống lại. Lần này người ta làm lạnh nó ở -18 độ C trong suốt 30 ngày đêm rồi dùng búa tán thành bột. Một mảnh nhỏ của nấm được cho vào lọ đựng dung dịch có nhiều chất dinh dưỡng. 10 ngày sau xuất hiện những đường xoắn ốc mờ đục rất khó nhìn thấy bằng mắt thường. Mỗi ngày, đường xoắn lại dày lên. Đến ngày thứ 15, toàn bộ bề mặt nước đã bị phủ dày lớp màng sủi bọt.
Phần thứ hai của nấm được các nhà thí nghiệm sấy khô ở nhiệt độ cao, nó biến thành tấm màng mỏng đàn hồi. Sau khi bị bàn là nóng đè mạnh, nó sáng lên như miếng mica và trở nên rất giòn. Khi cho vào dung dịch dinh dưỡng, "miếng kính" lại sống lại và sau 10 ngày biến thành một cục nhày, không sủi bọt.
Tiếp sau đó, họ cho quay bình đựng nấm ở máy ly tâm trong suốt 200 giờ liền. Sau lần "tra tấn" này, nấm bỏ ăn một ngày đêm, không hiểu do chúng bị chóng mặt hay buộc phải thay đổi cấu trúc để tồn tại. Rồi họ cho nấm ăn một "bữa trưa" gồm toàn thuốc kháng sinh: 10 viên thuốc penixillin 250 đơn vị đã quá đát và 10 viên tetraxyclin, tất cả đều bị chúng xơi hết...
Tất cả những điều kỳ dị đó đã xảy ra dưới sự chứng kiến trực tiếp của một nhóm các nhà khoa học uy tín. Trong suốt cuộc đời làm khoa học, đây là lần đầu tiên họ bắt gặp một loại vi sinh vật kỳ dị và có sức sống dẻo dai đến như vậy. Sau này, người ta còn xác nhận được hiện tượng rùng rợn tương tự tái diễn trên sông Pocomoke ở Maryland năm 1997 và ở các bang dọc theo Đại Tây Dương trong thời gian tiếp theo.
Nhận dạng hung thủ
Một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học North Carolina, đứng đầu là nhà nữ sinh vật học dũng cảm JoAnn Burkholder đã nỗ lực hết mình để nhận dạng những kẻ ăn thịt cá bí ẩn. Thủ phạm là một loại vi sinh vật có thể thay đổi hình dạng có tên là Pjiesteria. Bà Burkholder cho biết: "Vòng đời của loại vi sinh vật này trải qua 24 giai đoạn rất phức tạp trong đó có 4 giai đoạn nó trở nên cực kỳ nguy hiểm. Trong một vài giai đoạn, nó hấp thụ năng lượng từ mặt trời, thông qua quá trình quang hợp như thực vật. Ở một vài giai đoạn phát triển khác, nó sống bám vào vi khuẩn, tảo và có thể tự di chuyển bằng một cái đuôi. Rồi không có một dấu hiệu rõ ràng nào báo trước, nó biến dạng thành một loại quái vật siêu nhỏ".
Trong khi nghiên cứu của nhóm Lakusk đi sâu vào tìm hiểu khả năng "ma quỷ" của Pjiesteria thì những nghiên cứu của nhóm Burkholder lại tìm ra một nhân tố không bình thường đã kích thích Pjiesteria chuyển sang dạng độc hại. Đó là sự tăng đột biến mức bổ dưỡng trong nước. Các chứng cứ lấy được từ các cơn bộc phát cá chết đều cho thấy mức tăng này là do con người gây ra.
Các hoạt động chăn nuôi gà lợn với quy mô lớn đã tạo ra một lượng phế thải không thua kém lượng phế thải của một thành phố lớn. Trong công nông nghiệp, việc loại bỏ chất thải ra đất rồi cứ để cho thiên nhiên tự xử lý là chuyện thường thấy. Một số nhà khoa học cho rằng các hợp chất nitrogen và phosphorus trong chất thải đã làm thay đổi tính chất hóa học của nước, theo hướng làm Pjiesteria phát triển sang dạng độc hại.
Thật may mắn là, chỉ vài ba giờ đồng hồ sau khi "gây án", thứ quái vật gieo rắc nỗi kinh hoàng đó bỗng dưng biến mất khỏi hiện trường, cũng hết sức bí ẩn như lúc nó xuất hiện. Cá chết thảm thương không còn thấy bị đánh dạt vào bờ nữa. Các ngư dân trở lại cuộc sống bình thường. Còn trong phòng thí nghiệm, để tiêu diệt số nấm đã nghiên cứu, các nhà khoa học cho tất cả những chiếc lọ đựng nấm vào một chiếc xitec cũ rồi hỏa thiêu. Tuy nhiên, không một nhà khoa học nào có thể khẳng định được rằng loại quái vật siêu nhỏ này có tái xuất hiện nữa hay không!