Y học châu Âu hiện đại là sản phẩm kế thừa trí tuệ Trung Đông?

Để phát triển và hoàn thiện trong nhiều thế kỷ, y học châu Âu đã kế thừa và phát huy tinh hoa từ nhiều khu vực khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Họ tiếp thu kiến thức từ mọi vùng đất, bao gồm cả những tài liệu y học cổ có từ thế kỷ 11 tại Trung Đông.

Tàn tích còn lại

Đầu năm 2019, các nhà sử học Ireland tìm thấy một cuốn sách cổ từ thế kỷ 16 có nội dung khá lạ so với những tài liệu họ từng nhìn trước kia. Đây là bản dịch cuốn sách "Tiêu chuẩn Y học" của học giả người Ba Tư Ibn Sina, người từng sống tại Trung Đông cuối thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11. Sách của Ibn Sina tại Ireland có thể coi là một phát hiện thú vị, bởi nó cho thấy tài liệu y khoa tại Trung Đông từ lâu đã đi đến khắp châu Âu, bao gồm cả những nơi xa xôi như Anh và Ireland.

Theo nội dung được ghi trên cuốn sách, "Tiêu chuẩn Y học" được dịch từ tiếng Ba Tư sang tiếng Ireland và xuất bản tại Cornwall vào khoảng những năm 1530. Thú vị là phần lớn bản dịch cùng thời kỳ này chỉ được tìm thấy dưới dạng tiếng Latinh. Ở thời điểm đó những người làm sách thường lấy da động vật để đóng những cuốn sách quý, và "Tiêu chuẩn Y học" không phải ngoại lệ. Gần 500 năm đã trôi qua, nội dung trong sách vẫn còn nguyên vẹn nhờ giấy được làm từ loại da cừu non hảo hạng.


Hình ảnh cuốn "Tiêu chuẩn y học" được tìm thấy tại Ireland.

"Gia đình chúng tôi đã lưu giữ cuốn sách qua nhiều thế hệ. Ai cũng biết nó rất quý, nhưng không biết gì về nội dung bên trong đó cả", người chủ sở hữu cuốn "Tiêu chuẩn Y học" tại Ireland cho biết. Dường như để giữ bí mật cho cuốn sách này, người làm đã khéo léo ngụy trang một vỏ bọc bên ngoài hoàn toàn khác cho nó. Nếu nhìn qua hoặc xem lướt nội dung bên trong, ai cũng nghĩ đây chỉ là một cuốn sách thông thường. Phải mở từng trang, nhìn thật kỹ, những người tinh mắt mới nhận ra đây là sách về y khoa.

Phần tài liệu về y khoa được in trên giấy khổ bé hơn ngay bên trong sách rồi khâu lại thành một cuốn sách nhỏ ngay bên trong cuốn sách lớn. Vì số người đọc được chữ Latinh cổ rất hiếm hoi, những người phát hiện ra cuốn sách đã chụp hình một vài trang gửi cho Giáo sư Sử học Pádraig Ó Macháin tại Đại học Cork. Không mất nhiều thời gian để Macháin nhận ra tài liệu này sẽ làm thay đổi góc nhìn của cả giới Sử học về sự giao thoa kiến thức giữa châu Âu và Trung Đông.

Sau Macháin, đến lượt Giáo sư Aoibheann Nic Dhonnchadha thuộc Viện Nghiên cứu Cấp cao Ireland có cơ hội phân tích nội dung bên trong cuốn sách "Tiêu chuẩn Y học". Ông thừa nhận mình từng tiếp xúc với vô vàn tài liệu cổ trước kia, nhưng đây là lần đầu tiên một công trình về y khoa của Trung Đông được tìm thấy tại Ireland.

Tác giả cuốn sách là ai?

Ibn Sina (980-1037) còn được biết dưới tên Avicenna. Sinh ra trong thời kỳ hoàng kim của người Hồi giáo với những đế quốc trải dài từ Trung Á đến tận châu Âu, Ibn Sina có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều lĩnh vực khoa học vốn còn khá lạ lẫm với dân chúng ở thời điểm đó. Ông được người đương thời ca tụng là nhà thông thái vì am hiểu triết học, thiên văn học và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng đóng góp đáng kể nhất của Ibn Sina cho nhân loại là 40 cuốn sách y khoa được tìm tòi, ghi chép và tổng hợp lại thành nhiều chủ đề khác nhau.

Từ Trung Đông, những tài liệu y khoa của Ibn Sina được truyền bá rộng rãi đến châu Âu trong vài thế kỷ kể từ ngày ông qua đời. Có thời gian toàn bộ các trường y tại Pháp sử dụng sách của Ibn Sina làm sách giáo khoa chính thức để giảng dạy cho sinh viên của họ. Ông được công nhận là cha đẻ của y học hiện đại, nhưng chính hậu thế cũng không thể ước lượng chính xác tầm ảnh hưởng của ông lớn đến mức nào. Rất có thể mọi học giả về y khoa sau thế kỷ 11 đều từng đọc sách của Ibn Sina và lấy làm tài liệu gối đầu giường.

"Tiêu chuẩn Y học" chính là một trong hai cuốn sách về y khoa nổi tiếng nhất của Ibn Sina. Trong một thiên niên kỷ kể từ khi ấn bản đầu tiên được biết tới, "Tiêu chuẩn Y học" vẫn là cẩm nang chữa bệnh dành cho người dân tại Trung Đông. Nền y khoa truyền thống của khu vực này vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản được Ibn Sina xây dựng từ 1.000 năm trước cùng một cuốn sách khác có tên "Cẩm nang chữa bệnh". Cả hai đều được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau cho đến tận thế kỷ 18.


Tượng Ibn Sina tại Tehran, Iran.

Phần được tìm thấy tại Ireland chỉ là một chương nhỏ thuộc về cuốn sách được mệnh danh là bách khoa toàn thư của y học Trung Đông. Nguyên bản cuốn sách dài tới 5 tập, với phần đầu đề cập khác nhiều đến các bệnh về mũi, quai hàm và cổ. Đó chính là tiền đề giúp các bác sĩ sau này phát triển thành chuyên khoa tai mũi họng. Thật khó tưởng tượng tại sao Ibn Sina lại có thể nhận ra được điều đó từ thế kỷ 11 chỉ với việc quan sát đơn thuần bằng mắt.

"''Tiêu chuẩn Y học'' do Ibn Sina thực hiện được làm rất công phu và tỉ mỉ, nên chúng tôi chắc chắn phần còn lại của cuốn sách vẫn còn tồn tại ở đâu đó mà chúng ta chưa biết", Dhonnchadha khẳng định. Nhiều khả năng những học giả Ireland từ thế kỷ 15 đã tiến hành dịch nó và lưu hành với số lượng rất ít. Ở thời điểm ấy sách là tài sản rất quý, thế nên họ không truyền bá rộng rãi ra bên ngoài. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến "Tiêu chuẩn Y học" tại Ireland bị thất lạc trong nhiều năm mà không ai tìm thấy.

Ai đã phá hủy di sản của Ibn Sina?

Trong quá khứ, Ibn Sina từng được nhắc tên trong một vài tài liệu y khoa của Ireland nhưng phần lớn nội dung đều khá qua loa. Cho đến ngày phát hiện cuốn "Tiêu chuẩn Y học" bằng tiếng Latinh, hậu thế chưa từng tìm được tài liệu nào của ông ở Ireland cả. Có vẻ như chúng đều thất lạc theo thời gian, hoặc một thế lực nào đó trong lịch sử đã tiêu hủy toàn bộ để xóa bỏ hoàn toàn mối liên hệ giữa khoa học Trung Đông cổ đại và châu Âu hiện đại. Lần theo dấu vết lịch sử, "thủ phạm" cuối cùng cũng dần lộ diện.

Cách thức thực hiện và trình bày cuốn "Tiêu chuẩn Y học" cho thấy nó là sản phẩm của nền văn hóa Gaelic, vốn rất phổ biến tại Ireland trước thế kỷ 16. Tuy nhiên mọi thứ dần thay đổi sau đó, khi Đế quốc Anh tiến hành chinh phạt hòn đảo này. Ireland bị thôn tính, và vô vàn tài liệu quan trọng về nền văn hóa Gaelic bị phá hủy. Những cuốn sách về y khoa của Ibn Sina là một trong số đó, bởi kẻ xâm lược không muốn người Ireland giữ lại bất kỳ tài liệu nào liên quan đến tổ tiên của họ.


Nguyên tác "Tiêu chuẩn y học" viết bằng tiếng Ba Tư.

Theo Dhonnchadha, điểm quan trọng nhất về cuốn sách này là nó không được viết bằng tiếng Latinh như phần lớn tài liệu đương thời, mà được dịch hoàn toàn sang tiếng Ireland. Điều đó cho thấy những người Ireland bản địa từ lâu đã có truyền thống và văn hóa phát triển hơn những gì chúng ta đã nghĩ. Đáng tiếc là cuộc chiến với Đế quốc Anh đã xóa bỏ hoàn toàn một phần lịch sử quý giá của Ireland, khiến đảo quốc này mất đi một phần quá khứ không bao giờ tìm lại được.

Điều đáng quý nhất trong khoảng thời gian đáng quên này là vẫn có những tài liệu được các gia đình quý tộc ở Ireland lưu lại đến tận ngày nay. "Tiêu chuẩn Y học" là một trong số đó. Chúng còn giúp phần nào khôi phục tiếng Ireland cổ, vốn đã gần như bị xóa sổ trong thời gian quốc đảo này bị người Anh cai trị và đồng hóa. Rất ít tài liệu còn giữ được tình trạng nguyên vẹn như "Tiêu chuẩn Y học".

"Tôi rất vui mừng khi biết chủ nhân hiện tại của cuốn sách không nghĩ đến chuyện khư khư giữ nó cho riêng mình", Macháin tiết lộ. Thay vì giữ bí mật với công chúng, người này ủng hộ việc mở dây buộc sách để chụp lại toàn bộ nội dung bên trong và chia sẻ với mọi người. Đó là cách tốt nhất để ai cũng có thể biết về cuốn sách, như một gia tài của lịch sử được lưu lại cho hậu thế đến tận ngày nay. Ibn Sina sẽ một lần nữa được nhắc tên về tầm ảnh hưởng của mình đến y học hiện đại với "Tiêu chuẩn y học".

Cập nhật: 28/07/2020 Theo CAND
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video